The New World War?

March 20, 2022.

Đã được gần một tháng từ ngày nước Nga bắt đầu đưa quân sang Ukraine, mình muốn viết khá nhiều thứ. Vốn dĩ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, cụ thể là miền Bắc Việt Nam, nơi mà cái văn hoá Nga và sự ảnh hưởng của nó ăn sâu vào trong máu thịt như bao người Việt khác. Mình sang Nga học đại học, sau 5 năm tuổi trẻ, nơi mình trải qua rất nhiều thứ đầu tiên, lần đầu sống xa nhà, mối tình đầu, công việc làm thêm đầu tiên… Nước Nga sau 5 năm đó không còn chỉ là nước Nga trong những câu chữ của Dostoevsky hay Lev Tolstoi, những vần thơ của Pushkin hay những bản nhạc du dương của Tchaikovsky nữa. Nó là những người thầy, người bạn, những món ăn, mùi vị, là ngôn ngữ, là những cung điện, nhà thờ, hay chỉ đơn giản là viên gạch trên lề đường, là tiếng sóng sông Neva vỗ vào bờ trong một ngày hè đêm trắng mát rượi, kỷ niệm và trải nghiệm mà mình sẽ luôn mang theo trong suốt cuộc đời này.

Rồi mình sang Mỹ học tiếp. Nếu Nga cho mình những mộng mơ kia của gã trai mới lớn, thì nước Mỹ giúp mình trưởng thành hơn (hơi ngược tý khi Mỹ trẻ hơn Nga rất rất nhiều). Ở Mỹ, mình học được giá trị của đồng tiền, hiểu được thực tế cuộc sống và tính thực dụng (theo hướng tốt). Mình được tạo động lực, được truyền sự đam mê và kiến thức trong nghề, và hơn hết mình được tham vọng. Mình được ồ à vì sự giỏi giang của bạn bè mới, trong cả chuyên môn công việc lẫn sự quán xuyến chăm sóc gia đình. Mình học được rất nhiều từ Mỹ, cụ thể hơn, giấc mơ Mỹ. Ngọn lửa mà mình vẫn đang nuôi dưỡng và đốt cháy nó hằng ngày trong cuộc sống. Rồi cũng nhờ cái giấc mơ đó, nó mang mình tới một nước tư bản khác, nước Úc, nơi hiện tại mình đang ngồi trong lòng nó để gõ những câu chữ này. Nơi mà mình vẫn đang nỗ lực hằng ngày để được nó công nhận.

Mười mấy năm sống xa Việt Nam, gần một nửa ở Nga, hơn nửa còn lại ở phương Tây. Nên khi cuộc chiến xảy ra, thì cũng có một cuộc chiến ngay trong lòng mình. Mình quan sát và thấy những người bạn của mình ủng hộ phe này hay phe khác, mỗi bên đều có những lập luận rất riêng. Phía ủng hộ phương Tây thì lên án sự xâm lược, phản đối cuộc chiến. Phía ủng hộ Nga thì bảo tụi Mỹ là bậc thầy của PR và dắt mũi, không chỉ đưa tin một nửa sự thật, bản thân cũng đi xâm lược và gây nên tang thương khắp thế giới nhưng không ai lên án, giờ lại đạo đức giả lên án người khác, Mỹ còn được lợi khi các nước đồng minh tăng tiền quân sự và mua vũ khí của Mỹ. Bla bla bla. Nhiều lắm. Và những người bạn đó là những người mình biết rất rõ, những bạn bè cũng nhiều tuổi, học hành cao, câu chữ nhiều, đọc nhiều, và hiểu biết rộng, nhưng khi đến với vấn đề này, trong họ lại có những thiên vị rất rõ ràng tuỳ vào nơi họ đang sinh sống và làm việc. Nên mình nghĩ, hay mình cứ như Việt Nam, bỏ phiếu trắng trong lần họp hội đồng LHQ về việc chiến tranh này. Vì Việt Nam biết rõ, 5 nước trong hội đồng bảo an, 4 trong số đó đã từng chiến tranh với VN, và nước còn lại đang bị thế giới tấn công là Nga là nước duy nhất luôn giúp đỡ mình. Việt Nam cũng biết không thể đi ngược lại với phương Tây hay TQ được khi mà nền kinh tế và thậm chí sự sống còn phụ thuộc vào tụi nó. Nên cũng như mình, im lặng và bỏ phiếu trắng.

Tuy nhiên hôm nay, một ngày chủ nhật hơi se lạnh, dậy muộn và vẫn cuộn mình trên giường thế này, mình muốn được kể 4 câu chuyện rất ngắn. Những mẩu chuyện cá nhân của mình thôi, về những kỷ niệm nhỏ nơi mình đã tới, để các bạn trước khi bàn về việc đứng phe nào, sẽ có một góc nhìn khác hơn, và có thể tốt hơn.

1. Người bạn Ukraine (Ủ) cùng nhà.

Từ lúc sang Úc tới giờ cũng gần 4 năm, không biết tốt hay là xấu, nhưng mình không chọn ở cùng với người Việt, cũng không ở các khu có nhiều người Việt. Có lẽ vì mình cũng quá Việt rồi, nên không cần thêm một ai khác cùng quê để mà ở cùng, tâm sự cùng mà hít hà sự Việt nữa. Vì thế mình sống với người ngoại quốc, tự lập và tự tin hơn, giao thoa được văn hoá nhiều hơn, nhưng cũng có một điểm trừ, ít thân thiết hơn. Mối quan hệ luôn sẽ chỉ dừng lại ở trên bề mặt, kể cả khi có những bạn cùng nhà mình còn đi tập gym cùng, travel cùng nhau, hay ăn uống cùng. Có thể chơi cùng nhau rất vui, nhưng không thể kết nối sâu như tâm sự hay nói các câu chuyện dài được.
Nhưng khi mình tới xem ngôi nhà hiện tại, thì thằng bạn người Ủ ra dẫn mình đi quanh cái nhà, và nói chuyện với mình bằng tiếng Nga. Không biết vì lâu lắm mới được nói lại tiếng Nga, hay là vì mình cảm nhận được sự giống nhau giữa nó và mình, mà mình thấy rất quý nó. Nó hơn mình một tuổi, sinh ra trong một gia đình tầm trung ở Ủ. Năm 16 tuổi thì nó lấy được cái học bổng thể thao (nó chơi ice hockey) sang ĐH bang Michigan và học đại học sớm từ đó. Tốt nghiệp ĐH, nó lang thang đi làm ở Chicago gần 3 năm, rồi qua Úc học thạc sĩ, và ở lại Úc từ đó. Quãng đường đi của nó cứ như một bản sao khác của mình vậy. Cũng lớn lên từ một đất nước nghèo nhiều chiến tranh, cũng có hoàn cảnh kinh tế gia đình giống mình, không sinh ra đã ngậm một chiếc thìa bạc trong miệng, cũng tìm cách bứt ra khỏi hoàn cảnh đó bằng chính sự tự lực. Tính cách của nó cũng tiêu biểu tính cách của người Slavic, rất thật, thẳng, hướng nội và lạnh lùng bên ngoài nhưng thực sự lại rất cảm xúc, sống nghĩ về gia đình và người khác. Nó cũng có những sự ngông và tò mò của những đứa trẻ nhà nghèo như mình, nên hút cần, uống rượu, nó thử cả. Nhưng nó cũng có sự thận trọng của một đứa tự xây dựng tất cả mọi thứ, tài chính cho tới cả sức khoẻ, bằng chính bàn tay của nó, nên rất biết giữ mình và có vạch kẻ rõ ràng cho mọi thứ. Cứ thế nó trở thành một người bạn của mình. Mình rất dễ để nói chuyện, tâm sự và chia sẻ với nó nhiều chuyện, từ gia đình, đến cá nhân tình cảm.

Rồi dịch đổ đến, nó làm quản lý một khách sạn lớn (Intercontinental), và khách sạn đóng cửa, cắt giảm nhân sự, hầu hết mọi nhân việc chưa có thường trú nhân (thẻ xanh) thì đều bị cho nghỉ, và nó bị mất việc. Nó loay hoay với đủ mọi thứ nghề, từ shipper cho tới tự kinh doanh, cho tới nhân viên bán hàng. Nhưng rồi khi Úc dần mở cửa trở lại, sau gần 2 năm, nó nộp đơn, và xin được vào làm quản lý mảng sự kiện ở ICCC (Trung tâm hội nghị quốc gia Sydney). Là công ty nhà nước, ICCC còn hứa sẽ nhanh bảo lãnh cho nó visa để ở lại. Rồi đùng một cái, chiến tranh xảy ra.

Nó kể nó lo cho bố mẹ nó, cho bạn bè và người thân. Nó đi làm về và không thể ngủ được vì nghĩ về mọi người ở nhà. Rồi một buổi sáng cách đây 2 tuần, nó bảo mình, nó quyết định sẽ về nước và gia nhập quân đội. Bố nó cũng đã ghi danh, nhận vũ khí, và đeo băng vải vàng ở bắp tay. Nó bảo như thế ít nhất nó sẽ ở gần và giúp đỡ được bố mẹ, bảo vệ gia đình và người thân. Nó nói chuyện với ICCC và họ còn bảo sẽ giúp nó mua vé để bay về. Hầu hết bạn bè đều ủng hộ nó.

Mình phản đối. Mình nói rằng mình biết nếu Việt Nam bị xâm lược, có lẽ mình cũng đã bay về nước cầm súng. Mình cũng biết đã gần 400 nghìn người Ủ ở nước ngoài về nước để gia nhập quân đội. Và mình biết rằng bố mẹ nó nếu có nó có lẽ sẽ đỡ vất cả hơn. Nhưng liệu rằng nó có thể quẳng tất cả mọi thứ như vậy không? Liệu việc nó về nước có giúp cho đất nước tốt hơn khi nó ở nước ngoài và thành công không? Liệu rằng nó đã hiểu hết câu chuyện phía sau cuộc chiến chưa hay cũng chỉ nhìn qua báo đài phương tây? Liệu rằng nó có được bức tranh đầy đủ của tình hình cuộc chính không, khi phương Tây luôn nói rằng Ủ đang thắng thế, trong khi cả một quân đoàn Nga với xe tăng thiết giáp dài gần mấy chục km đã tiến gần tới Kyiv? Và liệu rằng một người không được đào tạo cách chiến đấu, về nước như vậy thì chỉ quẳng sinh mạng một cách lãng phí?

Lúc mình nói vậy, nó chắc chỉ nghĩ mình có lẽ là một thằng hèn. Câu cuối cùng mình nói cho nó là In the end, the one who wins is the one who is alive (Ở phút giây cuối cùng, kẻ chiến thắng trong mọi cuộc chiến tranh là kẻ còn sống).

Mình muốn kết thúc câu chuyện này ở đây. Quyết định của nó như thế nào có lẽ để các bạn tự tưởng tượng. Nhưng mình chỉ muốn viết ra về nó vì có lẽ lúc phán quyết chia phe khi nói về một cuộc chiến qua mạng, thì cũng nên biết có lẽ ở một đất nước Ủ nào đó cách mình hàng chục nghìn km, thì cũng sẽ có những con người mà hoàn cảnh sống, điều kiện sống, suy nghĩ, ước mơ không khác gì với mình, thậm chí còn giống mình hơn là mình nghĩ.

2. Chuyến tàu đêm.

Mình sang Nga học đại học. Chương trình của mình là 1 năm học tiếng, và 4 năm đại học. Hồi mới sang Nga thì mình có bạn gái (mối tình đầu). Bạn ấy ở một thành phố cách mình hơn 1200km. Sau khi sang Nga được một thời gian thì mình quyết định nhảy tàu đi thăm bạn gái, đó là vào mùa đông tầm tháng 2 năm 2010. Chuyến đi dự định sẽ là 12 tiếng trên tàu từ Saint Petersburg tới Moscow, sau đó đi bus tầm 3,4 tiếng từ Moscow tới thành phố của bạn ấy.

Hồi đó lên tàu mình không biết gì về tiếng Nga cả ngoài một vài câu rất cơ bản. Tất nhiên mình cũng không thể nghe và hiểu được mọi người nói gì. Mình nhớ khi lên tàu, người soát vé hỏi mình rất kỹ về nơi mình sẽ tới (vì tàu chỉ dừng tầm 15 phút ở điểm cuối, sau đó sẽ đi tiếp sang phía đông nam Nga). Ổng có bảo một câu đại loại là cứ thoải mái mà ngủ, ông sẽ thức mình dậy khi tới.

Trong khoang tàu mình được quan sát một xã hội Nga thu nhỏ. Tàu nằm, nên mỗi toa sẽ có rất nhiều khoang, mỗi khoang có 4 đến 6 giường hai tầng. Mình được tròn xoe mắt khi thấy các bạn nữ Nga cởi hết toàn bộ quần áo kể cả áo ngực, và thoải mái đắp chăn nằm ngủ. Mình được quan sát đàn ông Nga ngồi đánh bài và ăn nhậu. Mình cũng được thấy mấy ông bà già người Nga ngồi pha ấm trà và nhìn xa xăm ngoài cửa sổ đầy tuyết.

Nhưng cái bất ngờ nhất đó là trái ngược với việc mọi người nghĩ về người Nga lạnh lùng, họ rất cởi mở. Họ gọi mình vào chơi bài cùng, họ chia sẻ đồ ăn với mình, họ còn cố gắng để hiểu mình nói bập bẹ tiếng Nga dù mình phải luôn cố gắng dùng hết tay chân và ngôn ngữ hình thể để diễn tả cho họ hiểu. Họ không nhớ tên mình, nên họ gọi luôn mình là Việt Nam, kiểu như, ê Việt Nam, mày tới đây ăn với bọn tao. Hay ê Việt Nam, nước mày và nước tao là anh em đó, khi mày thăm bạn gái xong, nhớ ghé qua nhà tao chơi. Cái sự ấm áp trên chuyến tàu đó giúp mình quên đi khoảng cách, sự sợ hãi lo lắng, sự lạnh giá của mùa đông Nga, khiến cho mình dù sau này có đi đâu nữa cũng không thể tìm thấy được cái tập thể toàn người xa lạ nhưng lại như một gia đình đến vậy.

Rồi mình tới Moscow, mình chào mọi người và lên xe bus. Chuyến xe khá ít người, chỉ có mình, một vài cô cậu học sinh, và mấy bà lão. Mấy cô cậu thanh niên choai choai, mặc nguyên cây adidas từ đầu tới chân, khiến mình không muốn ngồi gần. Mình quyết định chọn ngồi gần mấy bà lão. Bà ngồi cạnh bắt đầu bắt chuyện, hỏi mình đến từ đâu, đang đi đâu, đi làm gì. Họ quan tâm có thể là vì họ tò mò, hoặc có thể là vì họ thực sự quan tâm. Bà ấy đã tầm 70 tuổi gì đó, mặc một chiếc áo dày đã sờn và rách bên ngoài, và rất nhiều lớp áo phía trong, khiến bà to đồ sộ hơn và ngồi soán luôn hai chiếc ghế. Bà cũng ăn suốt cả đường một thứ bánh ngọt gì đó. Nhưng điều khiến mình bất ngờ nhất có lẽ là khi xe bus gần dừng tới nhà của bà, thì bà bảo mình, trời ở ngoài lạnh lắm, mày từ Việt Nam lại mới sang chắc không chịu được lâu. Rồi bà rút cái găng tay len của bà và đưa cho mình. Bà bảo cứ nhận đi, đừng ngại. Đây là món quà tao đan cho cháu gái. Tao đang đi thăm cháu gái, đan cho nó cái găng này, nhưng mà giờ tao nghĩ mày cần nó hơn là cháu của tao. Mình cứ chần chừ, bà cứ bảo mình thử vào, và cười hiền hậu khi thấy nó vừa với tay mình. Bà bảo, thế nhé, chúc mày có chuyến đi thật vui. Đơn giản vậy đó, nhưng khi mình ngồi lại trên xe, mình cứ suy nghĩ mãi về món quà đơn giản và giản dị đó. Chiếc găng ấm là vì nó ấm hay vì tình người ấm, nhưng nó để lại cho mình thêm một ấn tượng rất tốt nữa về con người Nga, nghèo nhưng tốt bụng.

3. Chuyến bay vào năm mới.

Mình sang Mỹ vào đúng ngày đầu năm (ngày 1/1 năm đó). Mình còn nhớ chuyến bay của mình quá cảnh ở Nhật, và bạn lễ tân của khách sạn trong sân bay ở Nhật còn bảo mình chỉ cần trả tiền cho 1 tiếng thôi nhưng có thể ngủ và dùng phòng tới 8 tiếng, vì tối hôm đó là tối giao thừa.

Sang Mỹ, mình bay tới Chicago, ở nhà “anh trai” người Việt một ngày và hôm sau bắt tàu xuống South Bend. Thầy hướng dẫn là người đón mình ở đó. Mình tới South Bend, Indiana vào khá muộn. Trời tối mịt, gió thổi mạnh, và tuyết bay mù mù, đúng kiểu thời tiết xứ Bắc Mỹ vào mùa đông. Cái bến tàu không một bóng người, nhìn sang trái, nhìn sang phải không có xe, người, ngoài một số người lúc nãy cũng ở trên tàu (tàu từ sân bay Chicago và đi qua South Bend). Rồi thầy mình tới đón, ông đi một chiếc xe Prius loại hybrid nhỏ nhỏ. Ông xin lỗi vì đến muộn vì ông phải cho con ngủ trước, và mình cũng chú ý vẫn còn ghế cho trẻ con ở phía sau xe. Ông chở mình về chỗ mình thuê trọ. Hồi đó mình thuê trọ từ khi đang ở Việt Nam. Mình thuê luôn một căn townhouse 2 tầng, nhưng lúc đó chỉ có mỗi mình và chưa có đồ đạc. Ông bảo tao biết thể nào mày cũng chưa có đồ, nên tao bảo vợ tao chuẩn bị cho mày túi ngủ, chăn, gối. Vic (Victoria vợ ổng) còn chuẩn bị cho mày một ít đồ ăn nữa. Rồi ổng lôi ra phía sau cốp xe lỉnh kỉnh mọi thứ đồ, đồ ăn có cả thịt kiểu nấu đông, cả đồ khô, đồ ăn vặt, thậm chí còn có cả một lọ kem đánh răng và dầu gội đầu. Ổng vào nhà, chỉ cho mình cách dùng lò sưởi, cách bật nước nóng. Cứ tận tình như một người anh trai lớn vậy.

Ổng làm mình quên đi rằng ông là giáo sư một trường đại học lớn, là sếp của mình trong mấy năm tới. Một khoảng thời gian ngắn khi đưa đón mình nhưng đã khiến mình cảm thấy được cái khoảng cách xa xôi giữa thầy và trò được xoá bỏ. Và một lần nữa, mình lại thấy giữa cái đất nước cờ hoa thực dụng luôn nghĩ về tiền bạc này, con người ta vẫn sống với nhau tình cảm đến vậy.

4. Từ thiện

Mọi người chắc vẫn còn nhớ vụ 39 người Việt tìm cách sang Anh và bị chết trong xe tải đông lạnh hồi cuối năm 2019. Thảm kịch xảy ra, thì tụi mình một nhóm gồm 3 người chính (Mình, Sasha và Michelle) quyết định kêu gọi từ thiện. Mục tiêu của tụi mình là kêu gọi được khoảng 1 tỷ, để mỗi gia đình sẽ có khoảng 25 triệu để lo cho tang lễ. Hồi đó vì phải lo lắng cho cái chương trình đó, mình nhỡ một cuộc họp với thầy hướng dẫn ở Úc của mình. Ông hỏi lý do và mình nói thật là tao cần nghỉ một vài ngày để làm việc này. Ông không chỉ đồng ý, mà ông còn hỏi mình cách quyên góp. Ông góp luôn 50 đô vào chương trình.

Nhưng cái làm mình bất ngờ hơn, ông không dừng lại ở đó. Hôm sau ông nhắn bảo mình là cả con trai và con gái và vợ ông, mỗi người đều góp tiền. Ông kể cho họ vào lúc ăn sáng, và tất cả đều đóng góp. Thế là ông nghĩ có thể mình sẽ giúp được gì đó tốt hơn nữa, ông viết email cho các thành viên trong nhóm nghiên cứu của mình về chương trình mình làm, và tất cả đều quyên góp ngay lập tức.

Câu chuyện khiến mình có ấn tượng, vì câu chuyện người Việt vượt biên và gặp nạn cũng gây ra nhiều tranh cãi, kể cả với người Việt Nam mình. Nhưng với người Úc như thầy mình, dù chỉ vài chục đô thôi, họ không hề suy nghĩ những người Việt này là ai, họ đã làm gì, lý do hoàn cảnh sao, họ chỉ biết rằng có người gặp hoạn nạn và cần sự giúp đỡ, và chỉ cần vậy thôi, họ đóng góp.

4 câu chuyện nhỏ. Nhưng nó tô vẽ cho mình về con người ở các đất nước mình đã sinh sống và làm việc. Tất cả đều là con người, đều có tình thân, tình yêu và sự thương cảm với đồng loại, dù là bà lão nghèo, ông soát vé tàu, hay là các vị giáo sư đáng kính ở Mỹ hay Úc. Chiến tranh xảy ra, và nước Nga đang bị cấm đủ mọi đường, người Nga đang chịu trực tiếp với điều đó. Chiến tranh xảy ra, ở Ủ, bệnh viện, trường học, nhà dân bị bắn phá, tang thương xảy ra hằng ngày. Rồi các nước ngoài cuộc thì sao, gía cả leo thang, biến động, kinh tế nhiều nước nhỏ đã quá yếu vì đại dịch, giờ lại càng đi xuống. Dù lý do là gì, chiến tranh là điều không nên. Như bà Ilya Kaminsky, một giáo sư người Ủ tại Mỹ có viết một bài thơ với câu kết là “Fogive us, as we live happily during war”. (Xin thứ lỗi vì chúng tôi vẫn sống hạnh phúc khi bên đó có chiến tranh). Đúng vậy, mình và bạn ở quá xa cuộc chiến, và đang vẫn sống cuộc sống thường ngày như bao ngày khác, chiến tranh chỉ là gì đó ở trên ti vi thôi. Nhưng đây là cuộc chiến của các bộ máy chính trị, của các ông lớn, không phải là của con người, thậm chí của các người lính tham chiến. Nên khi các bạn nghĩ về nó, hãy nghĩ rằng ở Ủ, Nga, Mỹ hay phương Tây, vẫn có những con người rất tốt mà cuộc sống của họ không khác với mình là bao.

Ảnh: Ký hoạ của mình về mùa đông nước Nga khi nhìn từ cửa sổ tàu hoả. Giữa các gốc cây và tuyết là những ngồi nhà gỗ cacbin rất nhỏ nhưng luôn có khói sưởi bay lên ở mái nhà.