Một tác giả, một cuốn sách, một bộ phim, và một câu thơ nói gì về nỗi nhớ. 

Một tác giả, một cuốn sách, một bộ phim, và một câu thơ nói gì về nỗi nhớ.


Tiếng cười chọc ghẹo ngoài hành lang làm mình tỉnh giấc vào 4h sáng. Cái khách sạn ở ngay trung tâm của cái thành phố Berlin không ngủ, dù là 5 sao nhưng vẫn nằm trong một tòa nhà chắc đã được xây từ hàng trăm năm trước, khiến cho cánh cửa gỗ không thể cách âm được vào cái giờ người ta đi hẹn hò về này. Khó ngủ lại, mình lôi facebook ra lướt đọc, thấy chị Dương Cầm đăng bài, bả được về Hà Nội rồi được tụ hội với hội đọc sách Roboooksta, mà thấy cái mặt cười hớn như nhận được quà, nhìn bức ảnh cũng khiến tinh thần của mình vui hơn hẳn. Đọc đoạn status của bả và chợt thoáng thấy qua câu thơ “I miss you more than I remember you” của Ocean Vương, làm mình nghĩ miên man, nhất là khi đang nằm ở một nơi xa lạ, chả phải quê hương thứ nhất, cũng chả phải quê hương thứ hai, và đã ở đây tới cả một tháng nay.


Ocean Vương, thế hệ thứ 2 người Việt lớn lên tại Mỹ, khi được mẹ hỏi rằng “con có nhớ mẹ không?”, thì đã nghĩ không biết mẹ đang hỏi từ “nhớ” là từ “miss” hay là từ “remember”, vì trong tiếng Việt thì chỉ có mỗi “nhớ” là “nhớ” thôi, nhưng trong tiếng anh, khi nghĩ về các sự kiện, về kỷ niệm, về những gì xảy ra trong quá khứ, nhưng không có quá nhiều cảm xúc, thì sẽ là “remember”, nhưng khi dùng từ “miss” nó sẽ không cần phải rõ ràng các hình ảnh, âm thanh, nhưng sẽ là cảm xúc cá nhân, đôi lúc là một cảm giác thân thuộc, và khiến cho ai đó phải bồi hồi, thao thức, thì đó là “miss”. Vì thế nên Ocean Vương trả lời mẹ rằng “I miss you more than I remember you”, con nhớ (miss) mẹ nhiều hơn là con nhớ (remember) mẹ.


Khi mình nghĩ về điều này, mình tự hỏi, phải chăng những thứ khiến mình “remember” mới chính là những thứ bôi trơn, tạo đà để cảm xúc của mình “miss” về nó. Và khi thời gian trôi qua, liệu khi khoảng cách và sự tương tác không còn, những điều mà mình có thể “remember” đó mờ nhạt dần đi, thì cảm xúc của mình sẽ níu kéo gì để mình “miss” một ai đó?


Điều này lôi kéo mình tới bộ phim Muôn kiếp nhân duyên, tên tiếng anh là Past lives, dù rằng mình nghĩ tên tiếng anh của nó không thể lột tả được hết ý nghĩa bộ phim, vì có lẽ trong tiếng anh người ta không nói về tiền kiếp hay nhân duyên. Đây là một bộ phim nhẹ nhàng, nội dung cũng không có gì đao búa, nhưng lại khiến mình suy ngẫm. Chuyện kể về 3 người, Nora, Hae và Arthur. Nora và Hae từng là bạn thanh mai trúc mã, lớn lên ở Hàn Quốc, trở thành người tình, nhưng rồi sau đó nhà Nora chuyển qua Mỹ, và trong cái mối tình yêu xa về khoảng cách địa lý đó, Nora quyết định sẽ dừng lại một thời gian, im lặng một thời gian, để cả hai bên cùng phát triển cuộc sống và sự nghiệp của mình theo hướng của nhau. Thế rồi bẵng một cái, bao năm trôi qua, Nora yêu và cưới Arthur, một tiểu thuyết gia ở New York. Bộ phim bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ của ba người trong một quán bar. Phim miêu tả diễn biến tâm lý của ba người, Hae vẫn yêu Nora, và dù muốn nàng về bên mình. Arthur, dù không dễ chịu gì với sự xuất hiện của Hae, vẫn nghĩ rằng Nora phù hợp hơn khi về bên Hae. Như Arthur từng nói rằng, ngay cả trong giấc mơ, Nora cũng nói mớ bằng tiếng Hàn, một thứ tiếng mà anh không hiểu. Hay từ cách sống, món ăn, con người của Nora cũng luôn mong hướng về cái chất “Hàn”. Anh nghĩ rằng, Hae không phải là người Mỹ gốc Hàn, Hae là cả toàn bộ “Hàn Quốc” mà Nora đang tìm kiếm, và anh nghĩ Nora sẽ hạnh phúc hơn khi về bên Hae. Anh không biết rằng, tâm lý của Nora hoàn toàn không như vậy. Đối với cô, Hàn Quốc là những gì cô nhớ về khi cô còn trẻ, là của mấy chục năm trước, và cả Hae cũng vậy. Đó là một mối nhân duyên trước đây của cô. Cô nhớ (miss) về nó như một cách mà bộ não cô đánh động cảm xúc cũ kỹ đó, đưa cô về với nơi thân thuộc vậy. Nhưng đó không còn là Nora của hiện tại nữa. Những cảm xúc đó chỉ là một thứ quý giá như cái bình pha lê mà cô sẽ cất nó ở một góc đẹp đẽ trong tủ kính ở phòng khách, cô có thể mơ về nó, lôi nó ra lau chùi âu yếm, nhưng rồi khi cất lại vào tủ, mỗi ngày đi qua, cô thậm chí còn không nhớ rằng nó tồn tại ở đó. Arthur quên mất rằng cô hiện tại yêu anh, cô là vợ anh, và anh là mối nhân duyên hiện tại của cô. Bộ phim kết thúc bằng việc Nora trở về, ôm lấy Arthur và khóc nức nở lên. Cô khóc vì cô tạm biệt mối nhân duyên trước của mình.


Nỗi nhớ của Nora khiến mình đi tới cuốn sách Nếu biết trăm năm là hữu hạn, một cuốn sách rất nổi cho giới trẻ mấy năm trước đây. Mình sẽ trích đoạn văn về nỗi nhớ trong cuốn sách ở đây:

============

“Người ta đi xa bao nhiêu lâu thì mới cảm thấy nhớ nhà? Tôi đã không ít lần tự hỏi mình điều đó, mặc dù cũng như bạn, tôi biết rằng câu trả lời đơn giản là “tùy cảnh, tùy người”. Nhưng tôi vẫn luôn hỏi mình câu đó, khi này khi khác… khi tôi sắp đi đâu xa, hay khi có ai đó sắp đi đâu xa. Tôi biết một người vừa bước chân khỏi nhà đã nhận ra nỗi nhớ. Tôi cũng biết một người khác, mê mải dặm trường hai mươi năm, đến một chiều kia nhìn thấy trái xoài rụng ở Hawaii mới thực sự nhận ra nỗi nhớ nhà. Mà phải là trái xoài xanh rụng, chứ hai mươi năm ăn xoài xứ lạ mà có thấy nhung nhớ gì đâu…


“Bao nhiêu lâu người ta mới cảm thấy nhớ nhà?”. Thật ra, câu hỏi đó còn có một ý nghĩa khẳng định khác. Rằng, trước hay sau, bất cứ ai rồi cũng sẽ cảm thấy nhớ nhà. Tôi biết nhiều bạn trẻ, rời làng quê ra thành phố học đại học, rồi ở lại lập nghiệp. Cuộc sống nhộn nhịp, và đầy niềm vui, thậm chí tràn trề hạnh phúc. Nhưng điều đó không ngăn được họ nhớ nhà.


Chỉ có điều… khi về lại nơi mình hằng tưởng nhớ, họ nhận ra tất cả đã đổi thay. Những con đường cũ. Mái hiên xưa. Cả những người thân yêu. Và chính họ… Đôi khi sự thay đổi mạnh mẽ đến nỗi không thể nào chấp nhận, và họ nhận ra mình không thể sống ở chốn xưa được nữa. Điều kỳ lạ là khi trở lại với thành phố, họ vẫn nhớ nhà. Chúng ta đó. Người trẻ, người già. Chúng ta đều vậy cả. Đôi khi, chúng ta tưởng nỗi nhớ nhà liên quan đến con người. Nhưng không phải thế. Chúng ta tưởng nỗi nhớ nhà liên quan đến món ăn hay cảnh vật. Nhưng không phải thế. Không phải là những gì hiện hữu, không phải những gì có thể gọi tên. “Nhà” ở đây là một khái niệm khó định nghĩa. Đi càng xa thì khái niệm “nhà” càng rộng. Và nỗi nhớ càng mênh mông.


Thư của K., bạn tôi viết rằng: “Từ khi qua bên này dường như K. không thấy mình lớn lên nữa. Lúc nào cũng nghĩ về Việt Nam, về tuổi thơ của mình. Và thời gian hình như đã dừng lại từ ngày rời Việt Nam rồi”. K. nhắc không thôi những kỷ niệm ấu thơ, những cây me ở góc đường, ngôi nhà cũ, bạn xưa. Chỉ tôi biết, chẳng còn gì ở đó, trong không gian thực. Trong khi ở nơi xa kia, K. lấy vợ, sinh con, hàng ngày lái xe đi làm để nuôi dưỡng một gia đình nho nhỏ. Vậy mà thấy như thời gian đã dừng lại lâu rồi. Bao nhiêu người trở về chốn cũ, nhìn góc phố xưa giờ lạ lẫm, nhìn người xưa như ai đó, khi ra đi lại tiếp tục nhớ thương, không phải những gì vừa gặp lại mà là những điều giờ không còn nữa. Và như thế, tôi nhận ra rằng dường như chúng ta luôn nhớ nhà như nhớ một ảo ảnh hạnh phúc mà ta ngỡ rằng mình đã bỏ quên. Nhưng không, chúng ta không bỏ quên. Mọi thứ chỉ đơn giản là biến mất. Vạn vật đổi thay. Bất khả vãn hồi.


Điều đáng nói là, chúng ta nên giữ nỗi nhớ nhà như một ngụm nước mát trong chiếc bình ký ức, để dành khi khát trên chặng đường xa, thay vì đắm chìm vào nó như một kẻ nát rượu. Nỗi nhớ, ký ức, đôi khi giống như một cái bẫy, nó đánh đắm chúng ta trong quá khứ dù ngọt ngào hay đắng cay. Cô người mẫu da đen Tyra Banks, sinh ở California sau đó chuyển đến Paris từng tâm sự: “Paris là một trong những nơi đẹp nhất trên thế giới. Chẳng may, tôi quá nhớ nhà nên không thể thưởng thức được vẻ đẹp của nó”. Khi đọc được câu này lần đầu tiên, tôi đã mỉm cười. Thật là một cách thông minh để ca ngợi quê hương mình. Nhưng lần thứ hai đọc nó, tôi nhận ra một ý nghĩa khác: đừng để nỗi hoài nhớ của riêng mình ngăn cản ta tìm hiểu thế giới và tận hưởng hiện tại. Đừng để nó ngăn cản mình lớn lên. Tôi biết rằng một khi ta đã cảm thấy nhớ nhà, lòng ta sẽ khác. Chắc chắn như vậy, lòng ta sẽ khác. Khi chúng ta nhận ra mình nhớ là khi ta nhận ra mình đang yêu. Yêu thương một người, một gia đình, một làng quê, một thành phố hay một đất nước… Đó chính là lý do mỗi chúng ta đều cần trải qua cảm giác nhớ nhà. Và để có cảm giác đó chúng ta phải ra đi. Bạn có thể dễ dàng trở về, cũng có thể khó quay trở lại. Nếu như bạn nhớ nhà, hãy nhận ra rằng đó chính là yêu thương, và hãy để nó là yêu thương, chứ không phải luyến tiếc, tủi hờn hay oán giận. Bạn biết chăng, nỗi nhớ nhà sẽ khiến bạn nhận ra rằng chúng ta luôn có thể yêu thương từ một nơi rất xa. Và tình yêu thương, cho dù là yêu thương một ảo ảnh của hạnh phúc, thì vẫn luôn là một khởi đầu đẹp đẽ… Một ngày nào đó, bạn sẽ ra đi. Và tôi mong rằng tất cả những người trẻ đều có dịp đi xa. Lên thành phố học đại học. Lập nghiệp ở tỉnh khác. Ra nước ngoài du học, định cư. Hay thường xuyên nhất, đi du lịch. Khi ấy, thêm một lần nữa, hãy trả lời giùm tôi câu hỏi: “Mất bao lâu để bạn cảm thấy nhớ nhà?”

============

Thế đó, đoạn văn chỉ có bấy nhiêu thôi, nhưng nó miêu tả được nỗi nhớ của Nora, cô nhớ về Hàn, nhưng không phải là những thứ đang có ở Hàn hiện tại mà cô có thể gọi tên, cô đang nhớ về chính bản thân cô khi ngày xưa cô ở Hàn. Có lẽ nhiều người đi xa cũng sẽ thấy nỗi nhớ như thế.


“Khi chúng ta nhận ra mình nhớ là khi ta nhận ra mình đang yêu”. Tình yêu được nuôi sống bằng nỗi nhớ, và nỗi nhớ được nuôi dưỡng bằng sự tương tác mỗi ngày. Điều này đưa mình tới với tác giả, Giáo sư Cao Huy Thuần, một tác giả có chất viết văn như những vần thơ, vừa tạm biệt chúng ta, rời cõi tạm, và về với cõi Phật. Mình biết tới GS rất muộn, mãi tận sau này khi nghe tới cuốn sách “Im lặng như lời chia tay”, cuốn sách cuối cùng của ông, thì mình mới biết tới Cao Huy Thuần. Ông được mọi người gọi là “người vĩnh cửu hóa vẻ đẹp quê nhà”, bởi ở tận bên Pháp, là GS và Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Công đồng châu Âu tại Đại học Picardie, ông lại viết rất nhiều về quê hương, về Phật giáo, về Giới, Định, Tuệ, và các cuốn sách như “Thấy Phật”, “Nắng và hoa”, “Khi tựa gối khi cúi đầu”. Lối văn của ông gần gũi, dung dị, nhẹ nhàng, bao dung, và có cách viết văn như làm thơ. Ông tập trung viết và dành tâm tình cho đất nước, cho giới trẻ. Làm việc và sinh sống tại Pháp, chủ yếu giảng dạy và nghiên cứu về chính trị, luật học, văn hóa, tôn giáo, nhưng luôn hướng về tổ quốc, mong muốn đất nước phát triển. Đó là cách ông giao thoa và tương tác nỗi nhớ của ông khi xa nhà. Ông luôn nhớ về ông ở thời tuổi trẻ khi ông đang ở Huế. Văn ông thấm đậm văn hóa và cốt cách Huế. Ông ra nước ngoài mang theo hình ảnh Việt Nam nói chung nhưng trong đó có lẽ sâu đậm nhất là Huế. Cuốn sách cuối cùng trước lúc đi xa, ông viết về sự im lặng. Im lặng như bông hoa nở trong đêm, im lặng như khi bông hoa đó tàn, im lặng như những cánh hoa rụng, mà chia ly với biết bao nhiêu cánh bướm, câu chuyện nở hoa từ tuệ giác Phật giáo đó lại đi vào cuộc đời một cách nhẹ nhàng “Quá khứ tương lai đều nằm trong hiện tại. Cứ im lặng mà đi. Thong dong. Tình tang”.


Nỗi nhớ, khoảng cách, và sự im lặng, cả ba điều đó đều cần thêm một dư vị nữa, sự kiên nhẫn. Mình nhớ có ai đó nói rằng, cuộc đời cũng như chai rượu vang vậy. Có những loại vài tháng là uống được, nhưng có những loại phải lưu giữ nhiều năm để đạt độ cần thiết. Vị rượu ngon chính là phần thưởng của sự kiên nhẫn chờ đợi. Hãy chờ rượu chín rồi hãy uống, như hãy chờ tình đến rồi hãy yêu. Thế nhưng cũng có ai đó bảo mình rằng, đôi lúc đừng chờ đợi trong im lặng, nếu có thể gọi cho nhau, đừng nhắn tin. Nếu có thể gặp nhau, đừng gọi. Nếu có thể hôn nhau, đừng chỉ mỗi ôm. Nora đánh mất mối duyên của cô với Hae vì cô lựa chọn im lặng. Bởi lẽ trái tim vốn là tạo vật mong manh và thiếu kiên định. Nỗi nhớ cần chất xúc tác, nếu chất xúc tác đó mãi là quá khứ, khi con người lại không ngừng trưởng thành, khi đó biết đâu rằng một người vốn mỗi ngày phải cần một ly rượu vang mới ăn ngon miệng, giờ lại chỉ thưởng thức trà...


Bức ảnh mình chụp mấy ngày trước, trong hình là những chiếc ổ khóa của các cặp đôi khi tới cây cầu này, họ khắc tên lên ổ khóa, khóa lại, và thả chìa khóa xuống dòng sông. Khi mình đứng đây, chỉ trong vòng 30 phút, đã có bao nhiêu cặp đôi tới và làm vậy, từ tây, cho tới tàu, ta, không chỉ trẻ, mà có những ông cụ già, cũng cùng nhau thả chìa khóa xuống lòng sông. Họ muốn tình yêu của họ mãi vĩnh cửu, khóa lại, và cái duy nhất phá bỏ được là chiếc chìa khóa giờ đang nằm sâu dưới đáy sông kia. Ánh mắt tình tứ, họ nhìn nhau, nắm tay, hôn nhau.


Lại quay về "Nếu biết trăm năm là hữu hạn", có đoạn rằng "Giữa những người lạ, ta cần một người quen. Giữa những người quen, ta cần một người yêu. Giữa những người yêu, ta cần một người hiểu. Giữa những người hiểu, ta cần một người tin. Tin và được tin. Như thế, yêu chưa phải là “kết cục có hậu” của một đời người. Yêu, mới chỉ là một nửa chặng đường dài mà thôi. Chúng ta cần nhau, trước hết để yêu nhau, nhưng không chỉ để yêu nhau. Chúng ta cần nhau cho một cuộc khám phá rất sâu, một cuộc phiêu lưu rất dài. Hôn nhân chính là bằng chứng cao nhất cho sự cần nhau đó."


Có lẽ đó là biểu tượng cho những chiếc ổ khoá được khoá chặt vĩnh viễn kia chăng, là những cuộc đồng hành và phiêu lưu rất dài.


Và trong một phút giây đứng ngắm nhìn các cặp đôi đó, mình muốn viết về nỗi nhớ như vậy đó, qua một câu thơ, một cuốn sách, một bộ phim, và một tác giả.