Tản văn: Tết là gì
Trong không khí tấp nập của ngày gần cuối cùng của Giáp Thìn, mình gửi một vài nốt lặng chia sẻ cùng Tiền Phong. Đường link tới bài báo: https://tienphong.vn/tet-roi-ve-nha-thoi-post1712087.tpo
Dưới đây là nguyên bản bài viết (Tiền Phong chưa biên tập) của mình:
Tết là gia đình!
Càng gần ngày giao thừa, trời càng rét ngọt hơn. Úc đang vào độ hè, trời nóng lên tới hơn 35 độ C, trong cái thớ áo mỏng tôi mang theo khi bay từ Úc về khiến cho tôi cảm nhận được cái lạnh của Việt Nam rõ hơn.
Bước vào tháng chạp, nỗi nhớ quê cứ thế lại xộc vào trong khóe mắt. Vẫn phải đi làm hằng ngày ở nước ngoài sử dụng lịch dương, thì ở nhà, người ta bắt đầu đếm lùi bằng lịch âm rồi. Không khí tết len vào từng bài đăng trên mạng xã hội, cho tới trên mặt báo, hay trong cả những cuộc gọi về Việt Nam. Có lẽ vì quá háo hức để được về, hay có lẽ vì đã tới 4 năm rồi mới về ăn tết, nên tôi quên mất rằng Việt Nam đang vào độ rét nhất của năm mà khoác cho mình chiếc áo đủ ấm, Việt Nam đang vào tết.
“Anh ơi, anh quên đóng dấu nhập cảnh cho em phải không ạ?” Tôi hỏi anh công an ở cửa khẩu.
“Không em ơi, từ 1/1/2025, Việt Nam mình sẽ không đóng dấu lên hộ chiếu nữa.”
“Dạ. Hay quá anh! Cảm ơn anh. Chúc mừng năm mới anh nhé!”
“Về ăn tết ah em? Chúc mừng năm mới! Về nhà thôi em."
Một đoạn hội thoại ngắn ngủi tôi có được khi nhập cảnh, nhưng cũng đủ vị để cho tôi cảm nhận được rằng, Việt Nam năm nay chắc sẽ có nhiều điều mới mẻ lắm đây.
Tôi gọi về để báo cho bố mẹ rằng mình đã hạ cánh an toàn. Bên kia cuộc gọi, bố tôi nghe máy bảo rằng bố mẹ đang tranh thủ dọn nhà, bố quay vội camera điện thoại về phía mẹ, thì thấy mẹ đang sơn lại mảng tường loang lổ phía tây căn nhà, nơi đón gió Phơn thổi khô ran. Miền Trung mà, không nồm ẩm thì cũng nắng thô thốc, nên hằng năm việc sơn lại nhà để đón tết không còn gì xa lạ. Nhưng thoáng nhìn thấy mẹ tôi người nhỏ thó, bàn tay gầy guộc nhăn nheo, đẩy chiếc chổi sơn qua lại, tôi bỗng có một cảm giác khó tả.
Chỉ một giây thôi, cả cái sân bay rộng mênh mông bỗng nhiên thu lại bởi hình ảnh bố mẹ dọn dẹp nhà cửa trong ô điện thoại nhỏ. Đấy đáng lẽ ra là việc của mình, nhưng tôi biết bố mẹ cũng muốn được làm, tôi hóng về tết bao nhiêu, thì tôi cũng biết rằng, gia đình bố mẹ đã dang chờ sẵn cánh tay từ bao lâu để chờ đứa con này trở về rồi. Đôi lúc được chuẩn bị, lại là niềm vui nho nhỏ của bố mẹ. Việt Nam có thể đang “chuyển mình” trước kỷ nguyên mới, cảm nhận rõ trong từng thốc gió lạnh lùa vào khung cửa kính sân bay, cuộn trên nền gạch sáng loáng tấp nập người qua lại, nhưng trong khung hình kia, căn nhà nhỏ của bố mẹ vẫn vậy, vẫn mảng tường đó, vẫn vị quê đó, vẫn những con người đó, vẫn đợi con về.
Đã xa Việt Nam được hơn mười sáu năm. Thời còn là sinh viên ở Nga, ngoài trời tuyết rơi, thì trong ký túc xá, mọi người lại bật vang lên mấy câu hát như “Mẹ ơi, trong thời “chinh chiến”, bao mùa xuân con chẳng về nhà. “Thanh bình” chưa kịp vui cùng mẹ, đã đành xa cách quê hương”. Tôi để từ “chinh chiến” và “thanh bình” vào ngoặc kép vì thời chiến đã qua được cả gần một thế hệ rồi. Nhưng đối với lũ trẻ như tôi, câu hát trên vẫn nguyên vẹn giá trị. Vì ở cái tuổi của tôi, cuộc chiến cơm áo gạo tiền cũng khiến cho tôi phải lựa chọn xa nhà, xa mẹ, xa quê hương, và những ngày “thanh bình” về nhà luôn chỉ kịp tính trên đầu ngón tay. Sau này chuyển về Úc rồi, chỉ cách Việt Nam mỗi một chuyến bay thẳng gần 9 tiếng, tôi tự hứa với bản thân rằng, từ này về sau, năm nào cũng sẽ cố gắng về quê ít nhất một lần. Thế mà, có ai tính được rằng Covid ập tới, và rồi tới tận 4 năm rồi, tôi mới có thể về tết. 4 năm xa nhà có lẽ không quá dài với tôi, nhưng dài với bố mẹ. Nhiều lúc tôi hoảng hốt nhận ra rằng, nếu mỗi năm về nhà một lần, thì khoảng thời gian để tôi gặp lại bố mẹ có lẽ đã có thể chìa bàn tay bàn chân ra mà đếm được rồi. Nếu với tôi đã vậy, có lẽ với bố mẹ, thời gian trôi chắc nhanh lắm.
4 năm qua, đôi lúc trong các cuộc gọi sẽ là “con ơi, cụ X vừa mất rồi con ạ”, hay là “bác Y vừa đi khám và bị ung thư đó con biết không”, đôi lúc thì là những tin vui như “cái Q vừa cưới chồng rồi đó con”, “bố mẹ vừa đi mừng nhà cô X có con vừa được học bổng đi học ở Mỹ đó”. Những tin như vậy tôi không kịp đếm nữa, người đi, người vẫn ở lại, người buồn, người vui, hỷ nộ ái ố đủ cả, mỗi lần như vậy, mình chỉ kịp nghe, kịp thoáng một xíu cảm xúc, rồi quay lại với cuộc sống và công việc nơi đất khách. Và cái chuỗi cảm xúc đó nó đọng lại trong tâm trí giống như một chiếc máy ghi âm, ghi lại đầy đủ những gì nó nhận ra, nhưng rối bời, chẳng biết âm chính, tạp âm là gì nữa. Cứ thế qua bao năm, đôi lúc tôi lại sợ rằng mình sẽ chai sạn đi trước những điều kia, mà không còn đồng cảm được với bố mẹ nữa.
Trong một cuộc nói chuyện ngắn với một bác đồng nghiệp người Ấn Độ, người đã hơn 60 tuổi đời và đã 32 năm sống ở Úc. Bác kể rằng, ngày xưa khi còn bố mẹ, thì còn kết nối với quê, vẫn còn thấy rằng mình là một phần của khúc quê đó, nhưng giờ khi bố mẹ đã mất, những câu chuyện như tôi vừa kể trên cũng biến mất theo, và rồi khi công việc, con cái, cháu chắt, đều ở Úc, bác không còn thấy cái làng quê nhỏ ở bên Ấn kia biết tới sự tồn tại của mình nữa. Câu chuyện đó của bác làm tôi phải rùng mình, khi tôi nhận ra rằng sự kết nối của tôi với làng quê nhỏ bé ở Hà Tĩnh có lẽ cũng đang chỉ qua những câu chuyện kể của bố mẹ. Phải chăng rồi tương lai xa mình cũng sẽ như vậy chăng?
Vậy thì tôi lại càng phải về tết. Tôi cần những cái “tạp âm” kia nó thấm đẫm vào người tôi, càng nhiều càng tốt, để khi xa quê tôi lại lôi ra gặm nhấm mà sử dụng dần. Tết... Như anh Công an cửa khẩu cũng nói “về nhà thôi em”, uh, phải về thôi, về để cái tâm hồn không còn như “khúc gỗ bị mối ăn, mục nát từ lúc nào không biết”, về để được kết nối với cái nơi chôn rau cắt rốn kia, về để được gần bên bố mẹ, gia đình. Vì tết là gì ư? Tết là bố, là mẹ, là gia đình, là quê hương đó.
Tết là hy vọng!
Xe chạy từ sân bay bang qua cầu Nhật Tân, rẽ vào đường Âu Cơ, và đi qua chợ hoa Quảng An. Chợ hoa không tấp nập như tôi tưởng tượng. Anh lái xe bảo rằng, nhìn thế thôi, chứ năm qua kinh tế vẫn khó khăn lắm em ạ. Năm nay tết thiếu mất ngày 30, cảm giác rằng sao mà ngắn thế, chưa kịp gom đủ tiền, thì tết đã ập đến. Uh, có lẽ đâu chỉ nước Úc, Việt Nam cũng không tránh khỏi sự suy thoái của kinh tế. Đất nước vẫn đang trên đà để chuyển mình cho kỷ nguyên bứt phá, như bản tin thời sự vẫn đưa mỗi ngày. Ai cũng cảm nhận được điều đó từ những nghị định trong giao thông, tinh gọn bộ máy, cho tới các dự án đột phá về xây dựng, dự án đường cao tốc, đường sắt, hay về công nghệ, về AI hay sản xuất. Nhưng song song với những dự định lớn lao đó, thì những con người Việt vẫn từng ngày vật lộn với mưu sinh. Năm qua giá cả tiêu dùng tăng chóng mặt, kinh tế chưa kịp vươn lên sau nhiều năm dịch bệnh. Tết đến rất gần rồi, và trong làn xe tấp nập nhích từng mét một, những con người vẫn cố hết sức để di chuyển cùng dòng mưu sinh.
Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, thì trên xe mỗi người đều sẽ treo một thứ gì đó sắm tết. Nhỏ thôi, nhưng là túi bánh kẹo, là nhành hoa để thắp hương, hay là gói quần áo mới, có lẽ dù hoàn cảnh gì, tết vẫn là tết.
Anh lái xe cũng nói, lúc nãy anh vừa chạy ra bến xe lấy ít thịt lợn rừng của người họ hàng trên Tây Bắc gửi xuống. Tết mà em, dù khó khăn hay bận rộn ra sao, ngày 30 tết thì thịt vẫn phải treo trong nhà. Mâm cúng tất niên vẫn là bánh chưng xanh mướt, xôi gấc đỏ tươi, gà luộc vàng óng, đến canh măng khô nấu chân giò, nem rán giòn. Vì còn tết là còn hy vọng. Có đói cũng ngày tết, có hết cũng ngày mùa mà. Ngày tết no đủ chính là hy vọng cho một năm mới sẽ an khang.
Cũng như đất nước mình vậy, dù đang trong giai đoạn khó khăn, nhưng “tết” tới rồi, thì vẫn phải “sắm sửa” thôi. Phải thực hiện những bứt phá kia, thì có lẽ mới có được hy vọng cho một kỷ nguyên phát triển chứ.
Tết là "nốt lặng" cần thiết!
Có phải vì đi xa về không, mà sự hỗn loạn hối hả lo toan của đường phố những ngày cuối năm cũng khiến tôi thích thú.
Có phải đi xa về không, nhưng những câu hỏi của các bác hàng xóm về công việc, lương thưởng, về hôn nhân gia đình, đều khiến tôi thấy thật ấm áp. Ở xa nhà tít tận bên kia đại dương, tôi lại thèm được “làm phiền” bởi những cách hỏi thăm “không quá duyên” như vậy. Chỉ về quê, có lẽ tôi mới nhận được sự quan tâm đến thế từ một người hàng xóm.
Có phải đi xa về không, nhưng một chút xíu hương trầm bay trong gió lạnh cũng khiến tôi phải dừng lại mà hít hà cho đủ cái mùi hương đó.
Có phải vì đi xa về không, mà tôi thấy mình lặng hơn trong những ngày này. Tôi tự bảo bản thân mình rằng hãy tận hưởng hết mọi thứ đi, vì chỉ được mấy ngày thôi là phải xa rồi. “Vội vã trở về, vội vã ra đi”, có lẽ vì thế mà tết của tôi sẽ trọn vẹn hơn chăng?
Và tôi nhận ra rằng, khi để bản thân mình thả lỏng như thế, để mình được “lặng” giữa dòng đời, dù chỉ là mấy ngày tết ngắn ngủi thôi, thì mỗi lúc bay đi quay lại Úc, tôi luôn thấy mình được “bơm” đủ năng lượng cho một năm tiếp theo.
Tôi cũng nhận ra rằng, nếu mình không đủ “lặng” và thả lỏng, tôi sẽ không chuẩn bị được cho bản thân sự thay đổi đột ngột khi rời đi. Tôi còn nhớ ngày trước, khi quay lại, và đi từ phi trường Sydney về nhà, mở cửa, đẩy vali vào, và nhìn căn nhà trống, tôi chợt nhận ra mình đã xa những âm thanh, mùi hương, cảm giác thân thuộc của những ngày rất gia đình vừa qua. Lúc đó, tôi mất một lúc mới định thần được bản thân để không chực òa khóc ngay giữa nhà. Vì thế, mấy ngày tết, tôi phải thật lặng, để chuẩn bị bản thân cho sự thay đổi chắc chắn sẽ tới.
Khi thế giới đang chạy đua với nhiều sự biến động, từ biến đổi khí hậu, cho tới địa chính trị, hay là các cuộc đua về công nghệ. Khi Việt Nam đang tìm mọi cách để chuyển mình vào kỷ nguyên mới với rất nhiều cuộc “cách mạng”. Thì có lẽ hơn bảo giờ hết, đất nước mình cũng cần một nốt lặng, để nghỉ ngơi, để dưỡng sức, để tích góp năng lượng, cho một năm tiếp hứng khởi với nhiều kỳ vọng và hy vọng. Hãy có những ngày tết thật lặng và bình yên nhé.
Và tết là phải trở về!
Trong năm 2024, tôi đặt chân tới 4 châu lục. Những chuyến công tác, những hội thảo khoa học, đưa tôi tới nhiều vùng đất khác nhau. Tôi đã đi thật xa, và giờ là lúc trở về. Tết rồi, về nhà thôi.