Nghĩ gì về nước Úc ở tuổi 30s

July 15, 2024 (after 1 month in Europe).

Một xíu trà Thái Nguyên, ít cu đơ Hà Tĩnh, xíu bánh đậu xanh Hải Dương, ít nhãn lồng, vài thanh kẹo dừa, một vài bản nhạc mộc guitar Ngô Thụy Miên "dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời", cùng với ai đó là thần tượng của biết bao thế hệ trường Chuyên Hà Tĩnh (trong đó có mình). Nhẹ nhàng vậy để biết được là đã về tới Úc rồi.


Thần tượng không chỉ bởi thành tích học hành hay sự nghiệp, hay vì ngày xưa cứ lễ khai giảng bế giảng mà đọc đến bảng thành tích là thầy cô toàn nhắc tên, còn vì giờ đang có một gia đình ấm cúng, kinh tế ổn định (sương sương vài ngôi nhà), công việc ưa thích (quản lý một team cho toàn bộ khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho một tập đoàn IT lớn), ông bà nội ngoại sang thăm thường xuyên, và hai đứa con khoẻ mạnh thông minh. Cháu nhỏ mới mấy tuổi, chắc hưởng thụ bộ gen từ bố mẹ, khi toán mới chỉ học đến phân số thôi, nhưng đã biết tới hạt quark là một trong những loại hạt nhỏ nhất của vật chất, đã biết ánh sáng được tạo nên bởi hạt photon, và rất xứng đáng để mình tặng bảng tuần hoàn nguyên tố (quà của bác Bill Phillips, nhà vật lý đạt giải Nobel năm 1997, cho mình). Thần tượng là vì thế đó!


Sau chuyến đi dài, tỉnh giấc thấy một ngày hội bóng đá vừa xong, còn báo đài thì đâu đâu cũng đưa tin về Trump, điện thoại thì nhận emails liên tục của tụi bảo hiểm về biểu tình, nạn nhập cư, và bao nhiêu tranh cãi về phe hữu phe tả ở Châu Âu, ở UK thì đảng Lao động Anh thắng cử, làm mình có cảm giác lạ như đang ngủ quên, tỉnh giấc và quay lại cách đây 8 năm trước vậy. Hồi năm đó sang Mỹ, sau một chuỗi dài ngủ với cái áp phích dán hình nước Mỹ trên đầu giường của 5 năm ở Nga và Châu Âu (ngày còn là sinh viên, còn ở ký túc, chắc mọi người sẽ biết giấc mơ Mỹ và cái áp phích của mình hồi đó). Vậy mà giờ lại ngồi xuống nói chuyện với anh thì hai anh em đều nghĩ chắc nước Úc cũng rất ổn, sống cũng tốt, và cân bằng được tất cả mọi thứ, nên chắc ở Úc thôi. Ở cái tuổi mới ngưỡng đầu 30s như mình, khi mà đang có khả năng để di chuyển nhiều nơi, thì việc lựa chọn một nơi nào đó để xây nền móng cũng luôn được mình quan tâm, vì thế mà có lẽ khi có cơ hội ngồi xuống với anh Tân thì cuộc nói chuyện lại xoay quanh chủ đề này.


Mình từng sống ở VN, Nga, Châu Âu, Mỹ, Úc, hơn 16 năm lang thang, nhưng lần này qua Châu Âu với tầm thế khác, là đại diện cho nước Úc (không phải vì tấm hộ chiếu Úc hay vì màu da, mà vì cái vị trí mình được cử đi), nên được những người cao nhất trong trường đại học, trong cơ quan chính quyền bên đó tiếp đó, mà từ đó cũng là lần đầu tiên có góc nhìn mới hơn về Châu Âu, về nghiên cứu, dạy học, và công việc bên đó.


Cuộc sống, loanh quanh lại, thì nó cũng chỉ là tới chỗ làm việc, sau đó về nhà. Vòng tròn sẽ là đồng nghiệp, bạn bè, rồi cuối ngày về nhà thì vợ, con cái, bố mẹ. Cuối tuần thì dọn dẹp nhà cửa, mua sắm, làm vườn. Lúc nào rỗi hơn thì đi dã ngoại. Nếu không có gì khác xảy ra, nhìn trung bình lại, chắc cuộc sống nó chỉ đến vậy thôi, nên với nhiều người, ở đâu cũng vậy cả, là một cái đất nước, một thành phố, một xã hội nào cũng không quá quan trọng. Mình từng nghĩ vậy, nhưng mà có đúng không nhỉ? Có lẽ mình cần sống và trải nghiệm thêm nữa.


Hiện tại thì khi có cơ hội để thực sự di chuyển, mình lại muốn tạm dừng để xây dựng cái nền móng của mình ở Úc đã. Tại sao sống ở Úc cũng ổn, có lẽ là qua lăng kính của công việc, thu nhập, sự nghiệp, cơ hội phát triển.


Qua góc nhìn của môi trường, thiên nhiên, và cách con người bảo vệ nó, thực phẩm, văn hoá, ẩm thực, nền nông nghiệp rất phát triển, hầu như loại cây quả gì, con gì, cũng có hết.


Giáo dục hàng đầu (hệ thống trường giáo dục mầm non được đào tạo khắt khe, cho tới cấp 1 tới cấp 3 đều có hệ thống trường công rất tốt, miễn phí, có chế độ chuyên chọn, có hệ thống đào tạo nghề, hướng nghiệp tốt, lên đại học thì hầu hết đại học ở Úc đều đứng top đầu thế giới), chính trị, an sinh xã hội, y tế, bảo hiểm y tế, chính sách bảo vệ người lao động, người dân, tiêu chuẩn sống, cơ sở hạ tầng, khoảng cách giàu nghèo rất thấp và ổn định, không bị cạnh tranh quá, bon chen quá. Chế độ chăm sóc thai kì, mẹ và bé, hay các dịch vụ chăm sóc người già đều đứng đầu thế giới.


Khoảng cách với Việt Nam, mối quan hệ với Việt Nam đang cực kì tốt!


Thời tiết, địa lý, thích leo núi, tắm biển, đi sa mạc, trượt tuyết, đều có hết, khả năng tự vệ quân sự rất tốt, vì là hòn đảo, tránh xa nhiều xung đột trên thế giới.


Khả năng bố mẹ qua chơi, và ngược lại ngày tết là dịp nghỉ hè, con cái về thăm ông bà mỗi năm. Tưởng tượng xem đang sống ở một nước phương tây, nhưng sáng ra sân bay, chiều đã ngồi ở VN ăn phở. Và vì ngược mùa, nghỉ tết, cả nhà về VN ăn tết tránh nóng, ko chỉ thăm ông bà, còn cho con cái học tiếng Việt, tiếng Hà Tịnh, đọc truyện Kiều, và chào hỏi anh em họ hàng. Ở cái tuổi hiện tại, không hiểu sao điều này rất quan trọng với mình. Hôm trước đi ăn tối, vô tình gặp chú Dũng, người Nghi Lộc Nghệ An, đã qua Đức sống được gần 45 năm. Ngồi ăn có hai đứa con của chú cũng tầm tuổi mình, một bạn đang làm postdoc, còn bạn con gái thì đang làm nhân viên chính phủ. Nhìn chung cuộc sống kinh tế viên mãn, con cái tự lập, thành công. Bản thân chú Dũng cũng có bằng tiến sĩ nông nghiệp, về đầu tư khắp nơi ở Việt Nam. Chú kể vấn đề lớn nhất của chú hiện tại là không biết mình đang thuộc về đâu, ở VN mấy tháng, thì nhớ con nhớ cháu, lại qua Đức. Qua Đức một thời gian, thì thấy cô đơn quá, vì khác biệt với con cái, lại muốn đi về. Tuổi trẻ đánh trận xông pha khắp nơi, nhưng giờ ngồi lại thì thấy cái mình thực sự cần trong cuộc sống là sự kết nối, là các mối quan hệ, nhất là với quê hương. Nhưng với chú, sự kết nối với VN thì chỉ qua mấy dự án, còn lại thì gia đình họ hàng cũng xa lạ dần. Mình nghĩ ai chọn sống nước ngoài cũng sẽ có vấn đề này, nhưng ở nước Úc, mình nghĩ vấn đề này sẽ ít hơn hẳn. Mình từng luôn nghĩ, dù đi đâu, mỗi năm sẽ cố gắng đưa vợ về thăm bố mẹ, đưa con về thăm ông bà một lần, ít nhất khi ông bà còn sống, cũng chả được mấy năm trên đầu ngón tay, nên nhờ vào vị trí địa lý đặc biệt, trái mùa, và cơ chế làm việc nghỉ phép thuận tiện, cái lời tự hứa này chắc chỉ thực hiện được khi ở Úc thôi.


Cảm giác an toàn, rất an toàn, yên bình đến mức nhàm chán (mình không có cảm giác an toàn này với bất cứ nước nào khác, trừ Úc và Việt Nam), là nơi cấm sử dụng súng, Úc gần như không có bạo lực vì chia rẽ chính trị, tôn giáo. Không có các thành phần cực đoan. Không có cảm giác sợ cảnh sát. Không bao giờ phải sợ mất đồ khi bỏ túi trong xe, bị đập cửa kính xe trộm đồ. Úc ko có bạo loạn, luật cũng rất nhanh và cập nhật, như vừa rồi còn có luật mới cấm các tiệm thuốc siêu thị bán thuốc lá điện tử, hay luật về bảo vệ môi trường cực kì chặt. Sự an toàn đến cả trong công việc, khi mà luật bảo vệ người lao động rất chặt, không có chuyện sáng đi vào công ty, trưa bị sa thải bê một hộp đồ đạc đi về.


Cảm giác được là một phần của xã hội, không phải là người nước ngoài, không phải là châu Á nhỏ bé da vàng yếu đuối, cảm giác không phải cố gắng gấp 5 lần, 10 lần để chui có cơ hội được chui vào thế giới người da trắng (dù vẫn phải nỗ lực 200% 300%, nhưng có cơ hội rõ hơn). Điều này cực kì quan trọng.


Cảm giác cân bằng giữa công việc, gia đình, thú vui cá nhân, cảm giác ai cũng bảo vệ môi trường thiên nhiên, cảm giác phụ nữ, giới yếu thế, người tàn tật, người chuyển giới đều được bảo vệ, công bằng, nhưng cũng rất cân bằng, không bị woked quá mức, cảm giác chính trị ổn định, và cảm giác mọi thứ xung quanh mình thực sự do mình làm chủ.


Cảm giác muốn sinh con, nuôi con, và an tâm cho đứa trẻ lớn lên trong xã hội như thế này.


Và cuối cùng, ở một nơi yên bình như vậy, nhưng mình thấy có cơ hội để tạo được tác động cho xã hội và để lại gì đó cho đời. Mình còn thiếu gì không nhỉ?


Tất nhiên cuộc sống như một phím đàn dương cầm, có nốt cao, nốt thấp, có phím trắng, phím đen, nó mới tạo nên một bản nhạc cảm xúc. Hoàn toàn những suy nghĩ của mình là quan điểm cá nhân, và biết đâu sau mấy năm nữa mình sẽ thay đổi. Úc cũng có rất nhiều điểm trừ, cái rõ nhất với cái nghề của mình thì là sự hạn chế trong các quỹ nghiên cứu, thiếu năng động trong cơ hội, không có các nền công nghiệp chủ chốt, thị trường lao động nhỏ, nên cơ chế khởi nghiệp cũng hạn chế, và nhìn chung chỉ đang là một đất nước dịch vụ, nhưng làm dịch vụ cũng kém hơn Singapore. Trong môi trường giảng dạy nghiên cứu thì là vì thị trường nhỏ, nên cơ hội ít, nên các nhóm nghiên cứu cũng khá khép kín, khá cục bộ, không cởi mở như Mỹ. Úc cũng rất xa so với nhiều nước khác về địa lý, nên di chuyển cũng khó khăn, hợp tác cũng vậy. Kinh tế Úc phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, và không đa dạng khi phụ thuộc chính vào xuất khẩu khoáng sản và sản phẩm nông nghiệp. Dân số tăng quá nhanh (so với các nước phát triển), nên cơ sở hạ tầng đang chạy đuổi không kịp, dẫn tới một số vấn đề như giá nhà đất quá cao so với thu nhập, hay nội bộ chính sách của Úc, ví dụ là về thuế, về đầu tư, nhà đất chẳng hạn, vẫn không thân thiện với người trẻ thu nhập thấp...v.v. Mình còn có thể kể ra nhiều nữa, nhưng bài viết chắc cứ tập trung vào nốt bổng của bản nhạc, thay vì nốt trầm, vì tới hiện tại, nước Úc đang phù hợp với mình.


Mình biết nhiều bạn đang rất hạnh phúc với lựa chọn của họ ở nước nào đó, thậm chí nhiều bạn đã từng ở Úc, giờ qua Mỹ, qua Âu, và thấy thoả mãn với cuộc sống của họ (mình có một số bạn bè như vậy luôn). Nên chắc có lẽ ở đâu đó lâu thì "đất bỗng hoá tâm hồn" thôi. Nhưng mình "già" hơn trước kia một xíu rồi, nhỏ nhặt như tiếng còi hú quá to của xe cảnh sát trên đường, vài góc phố khoi mùi nước tiểu, vài tấm áp phích biểu tình, những ánh mắt nhìn mình của người dân bản địa da trắng, hay là vài món Việt với sợi bún mì quá khô được luộc lại từ những quán ăn cao cấp nhất, hay lời dặn của chị cảnh sát khi mình tới chỗ xem đá bóng rằng nếu mày muốn an toàn thì nên về sớm đi, tới ga tàu mấy bác giáo già người Đức phải bảo rằng đứng xa đường ray ra xíu kẻo nhỡ có mấy người say rượu họ vô ý vấp phải xô ngã, hay cách một bà nhân viên khách sạn 4 sao cổ kính, da trắng, chỉ tay và nói với em trai mình rằng "no money, no check in!" với thái độ khinh biệt, vì em mình tới trước mình vài tiếng mà mình là người chi tiền đang ngồi trên tàu chưa tới kịp, làm mình cáu lên đổi luôn khách sạn phút cuối, tất cả điều nhỏ đó cũng khiến mình nhạy cảm phải nhướn mày. Nên đó, già rồi, chọn ở đâu giờ kỹ tính lắm.


Và rất nhỏ nữa, đoàn của Úc đi với mình lần này đều hiểu rằng vì công việc bắt buộc nên sẽ di chuyển cực kì nhiều, sẽ để lại rất nhiều carbon footprint (tín chỉ carbon), nên di chuyển đều bay economy (dù nhiều người như các giáo sư viện sĩ đi cùng đều được cho suất thương gia), đều chọn đường bay ngắn, hãng bay bảo vệ môi trường. Sang Châu Âu đều sẽ chọn đi tàu chạy điện từ nguồn tái tạo, hay thậm chí khi ở trên đảo chỗ hội thảo, cả đoàn lựa chọn đi bộ 35 phút mỗi chiều từ khách sạn tới chỗ hội trường, vì từ chối đi xe bus. Cả nhóm đều dùng túi làm từ thực vật, mỗi bạn đều được phát một bài đọc về các loại động vật, thực vật ở Úc để giao tiếp với mọi người, và các con gấu Koala nhỏ nhỏ để phát cho các giáo sư. Là nhóm duy nhất rất nổi ở hội thảo khi dám tổ chức một open session cho mọi người để thảo luận về biến đổi khí hậu, và kêu gọi thay đổi cách sử dụng năng lượng. Cuối cùng, là nhóm duy nhất có đồng phục (như ảnh mình đã đăng), và luôn làm việc cùng nhau. Những điều nhỏ này cũng khiến mình vui.


Lúc ngồi với bác Viện trưởng Viện Max Planck Gravitational Physics, và bác đại sứ của Úc tại Đức, bác Viện trưởng hỏi mọi người một câu, nếu bây giờ viện Max Planck cho các em một cơ hội sang làm việc 3 năm, tại một phòng lab chuyên sâu, và sau đó cho các em lựa chọn, thăng tiến ở lại, đi nước khác, hoặc về Úc (bà đại sứ còn bảo là nếu về Úc như thế thì bên văn phòng đại sứ sẽ hỗ trợ để chuyển giao công nghệ về), hầu hết mọi người đều chọn sẽ nhận vị trí đó. Chỉ có mình và một bạn Ấn là bảo không. Lý do là vì trong dòng máu của mình còn là Việt Nam, mình ko chỉ muốn mỗi Úc phát triển. Ngoài ra, vì mình đi nhiều rồi, mình biết được nơi nào đó để chọn ở lại rồi. Mình cũng không phải là Elon Musk hay Nobel Laureates, hay thế hệ Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Nguyễn Thục Quyên, Lê Duy Loan, v.v., chí ít cũng giỏi được như Lê Việt Quốc, rời Úc qua thành công ở Mỹ, hay chắc qua bờ tây nước Mỹ, thung lũng silicon, vớt lưới một cái bắt được bao nhiêu nhân tài, mình không giỏi được như họ, vì mình đủ trải nghiệm để biết được giới hạn của bản thân, và biết mình muốn gì. Nên ai siêu giỏi, còn trẻ, năng động, và tham vọng lớn, muốn chinh phục đỉnh cao công nghệ, kiến thức, thì sang Mỹ nhé, một cách chân thành, bên đó toàn người tài giỏi, nhất là người Việt nha, nhưng sẽ bon chen cạnh tranh lắm đó!. Mình nghĩ rất nhiều vấn đề xã hội ở Mỹ thì nó chừa tụi giỏi và giàu ra.


Nên tới chơi nhà anh, nhưng cũng để nhìn thấy một góc mục tiêu của mình trong cuộc sống. Mong rằng một ngày nào đó, cũng có một góc nhà ấm cúng, vài đứa trẻ chạy loanh quanh, già trẻ cười nói trong góc bếp, và mời anh hay bạn bè tới thăm, cũng quanh ấm trà, bàn cờ, cây đàn như vậy. Còn cần kéo cày cuốc nhiều, nhưng tin là sẽ sớm thôi!


Hôm nay lúc nói chuyện với bác giáo sư sếp mình, mình bảo là tao không thích cái cảm giác sau một tháng đi xa, quay lại mở cửa căn hộ ra, thì nó trống không. Tao muốn đc như mày quá. Bác cười bảo, mày có chắc không? Tao thì lại ước có được một khoảng trống yên tĩnh một mình để ngồi đọc sách, mà không thể có đây. Đúng là mỗi độ tuổi, mỗi trải nghiệm khác nhau thật. Nên có thể nhiều suy nghĩ của mình, sau này đọc lại, chắc lại thấy ôi sao ngày đó ngây ngô thế. Nhưng mình thích viết, và cứ viết ra thôi nhỉ. Sẽ là một hành trình thú vị khi sau này đọc lại những cái note khi còn trẻ thế này lắm đây.


Một xíu tổng kết sau chuyến công tác dài ngày và chuỗi các bài viết. Back to my normal and boring life!