The Lindau Journey

Dưới đây là một mẩu nhật ký về những ngày mình tham dự ngày hội trí tuệ toàn cầu Lindau Nobel Laureates Meetings tại Lindau, Đức. 

Sau khi được Viện Hàn Lâm Khoa Học Úc chọn vào trong top 10 nhà khoa học trẻ năm 2024, tụi mình được tài trợ để đi Đức. Chuyến đi kéo dài 3 tuần. Tuần đầu tiên cả đoàn đi thăm các cơ quan, viện, trường đại học, Đại sứ quán, v.v. ở Đức. Tuần thứ 2, cả đoàn tham dự ngày hội ở thành phố Lindau, trong cuộc gặp gỡ với 36 giáo sư đạt giải Nobel Vật Lý và Hóa Học, và giải thưởng Field. Tuần cuối cùng, mình đi thăm các viện, trường, làm về lĩnh vực của mình.

Kết thúc tuần đầu tiên với chuyến thăm hồ Stechlin, được nhảy vào hồ mát rượi (ảnh cuối ở trên).

Chàng trai thủy lợi hôm nay được về đúng môi trường của mình. Hôm nay mình dẫn đoàn tới thăm phòng thí nghiệm nước ngọt lớn nhất thế giới. Sau khi mình trình bày nghiên cứu, và đưa ra các hướng mà mình muốn hợp tác, thì sau đó được bác giám đốc viện dẫn ra hồ đi thăm phòng thí nghiệm, và được tận mắt sờ vào những thiết bị đo đạc quan trắc và phân tích mẫu hàng chục trăm triệu đô, đúng là mở mang tầm mắt. Phòng thí nghiệm có khoảng 75 người (tới từ 29 nước), nằm hoàn toàn cách biệt trong rừng ngay bên hồ. Xung quanh là một ngôi làng có khoảng 50 người dân. Cả khu có mỗi một cái siêu thị, hai cái nhà hàng. Nằm xa tít nhưng vẫn có nguyên một phòng siêu máy tính lên tới hơn 5 nghìn CPUs để tự chạy mô hình, chớ có đùa. Mỗi tuần sẽ có 3 buổi dành cho sinh viên từ 4 trường ĐH trong Berlin sẽ tới học và thực hành. Cuộc sống và môi trường làm việc thực sự vây quanh bởi thiên nhiên, yên tĩnh, tâm tịnh, để tập trung nghiên cứu, nhưng vẫn được làm việc với thiết bị hiện đại, và vây quanh bởi nhà khoa học, sinh viên từ nhiều nơi, rất tuyệt vời.


Sau đó cả đoàn đi bắt cá, và là lần đầu mình được trổ tài nấu món cá bắt tại hồ của Đức theo kiểu nấu chua miền Trung Hà Tịnh cho mọi người thưởng thức. Nấu bữa tối cho hơn chục người thực sự không dễ, nhưng tay nghề nấu ăn sau hơn 15 năm kinh nghiệm của mình cũng được cả gia đình dân chài ở địa phương cũng khen. 


Tất nhiên là dân Thủy Lợi thì không thể không nhảy xuống hồ để bơi thử rồi. Nước rất mát và sạch, vị ngọt và hơi cứng hơn nước ở hồ của Úc. Theo giải thích là vì vùng này nằm trên một số quặng, nên nồng độ khoáng của nước sẽ cao hơn. 


Cuối buổi thì cả đoàn đã no nê, ngồi xuống bên chiếc bàn nhỏ bên hồ, uống trà từ lá tự ngắt ở rừng cạnh bên, và được người dân địa phương kể chuyện về thuỷ quái của hồ và nhiều câu chuyên dân gian. 


Và ngày cuối cùng cho chuyến ghé thăm Berlin của đoàn của Úc là như vậy đó. 


Sau một tuần làm việc với các trường đại học và doanh nghiệp làm về vật lý cao siêu như lượng tử, vũ trụ, cơ học chính xác, trí tuệ nhân tạo, Max Planck Institute, Humboldt Uni, Tech Uni Berlin, Physikalisch-Technische Bundesanstalt - PTB, Leibniz Institute for Astrophysics Potsdam, IGB Berlin, các công ty như Siemens, SAP, Mercedes-Benz, Zeiss group, Thermo Fisher Scientific GmbH, Toptica, nói chuyện với hàng loạt start-up, và kết thúc bằng buổi tiệc chiêu đãi của Đại sứ Úc tại Đức, mình được thấy nhiều điều rất thú vị. Tất nhiên với tư cách là đoàn đại diện cho nước Úc, dẫn bởi ba Viện sĩ Viện Hàn Lâm, thì hầu như đến đâu cũng được đón tiếp bởi những người quan trọng, và được giới thiệu các công nghệ và thí nghiệm tuyệt vời nhất của họ rồi. 


Mình được xem các thí nghiệm kéo sợi cáp quang xuống còn 5 micro mét để lợi dụng tính lượng tử mà truyền được nhiều thông tin hơn, hay được nghe những người hơn 9 năm trước lần đầu phát hiện ra sóng trọng trường (gravitational waves) và sự nổi tiếng của nó thay đổi cuộc đời họ ra sao, hay được tận mắt sờ vào vật thể tròn nhất thế giới, nặng chính xác và định nghĩa cho 1kg, hay chui vào phòng thí nghiệm nhiệt/khí động lực học của Mercedes-Benz và thấy được những công nghệ có thể còn mất hàng chục năm nữa mới ra lò, hoặc đến Viện tiêu chuẩn đo lường, nơi đưa ra định nghĩa cho các thang đo về cân nặng, nhiệt độ, thời gian, v.v, và được ghé thăm một toà nhà của viện chỉ dành riêng cho việc đặt ra tiêu chuẩn cho các bộ dữ liệu lớn và các mô hình học máy, một điều rất mới mà có lẽ trên thế giới cũng ít ai nghĩ tới là phải làm.


Với bản thân mình, một tuần này mình hoàn thành hai việc. Ký được biên bản hợp tác với tập đoàn Toptica về dự án viễn thám về quan trắc vi nhựa trong nước (micro plastics), sử dụng công nghệ laser của công ty. Và tiếp theo là trình bày thành công về nghiên cứu của mình với các giáo sư, nhà khoa học và sinh viên cho viện nghiên cứu nước ngọt IGB Berlin, và tất nhiên là thành công nấu cho các bạn nữ trẻ Úc hay Đức giờ gặp cứ thấy nhìn mình cười tủm tỉm =))


Berlin là một thành phố khá đặc biệt. Là thủ đô nhưng dân số chỉ khoảng tầm 3 triệu người. Người dân khá trẻ, sôi động, cởi mở, nhưng vẫn có rất nhiều sự cứng nhắc quy tắc và già cỗi của người Đức. Mọi thứ vận hành theo hai xu hướng tư tưởng, capitalism của phương tây và communism của phương đông. Nó hoà trộn vào trong cả trường đại học, từ việc dạy học, nghiên cứu, cho tới môi trường làm start up. Là một người sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, và giành phần lớn tuổi trẻ cuộc đời đến giờ ở phương Tây, mình cảm nhận rõ được cái lằn ranh giới mỏng manh của tây và đông ở môi trường research landscape and R&D của Berlin.


Người dẫn đoàn đi là một giáo sư già người Đức. Sinh ra lớn lên trong cuộc chiến, từng là sinh viên năng nổ biểu tình chống lại các giáo sư của mình, những người ngày trước ủng hộ vụ đốt sách nổi tiếng (Nazi book burnings) của chế độ phát xít, nhưng lại chọn qua Mỹ, rồi sau lập nghiệp và thành danh tại Úc. Là người sinh ra trong môi trường không có anh chị em vì mất hết lúc chiến tranh, và cũng lựa chọn không có con vì hai lý do, muốn tội ác của cha ông kết thúc với mình, và không muốn đứa trẻ sinh ra trong thời kỳ chiến trận. GS có góc nhìn về lịch sử, và tương lai của Berlin cũng khác lạ, nhiều cái giống với mình, nhưng cũng rất nhiều điều thì mình không đồng ý. Nó tạo nên những đoạn hội thoại thú vị trên đường, trên tàu, lúc ăn tối của thầy trò. 


Cuối cùng thì trong một bữa ăn, GS hỏi cả đoàn là nếu được lời mời cho một vị trí ở một phòng thí nghiệm nổi tiếng ở đây, 2-3 năm, sau đó được tự do ở lại tiếp hoặc đi về Úc, thì mọi người chọn thế nào. Hầu hết mọi người đều bảo sẽ thử, rồi có thể đến một lúc nào đó sẽ quay lại Úc. Đến lượt mình trả lời, mình bảo rằng mình sẽ thậm chí không nhận cái lời đề nghị đó từ đầu luôn. Mình sống nhiều nơi rồi, thượng vàng hạ cám đều trải qua, thì thấy nước Úc đang cho mình những sự cân bằng trong cuộc sống và công việc mà mình cần. Cái điều "nhẹ nhàng" trong cả công việc lẫn cuộc sống của nước Úc mà để nhận ra nó phù hợp với lý tưởng sống của mình, thì mình phải tự trải qua, so sánh, và mất nhiều thời gian mới nhận ra được, nên mình sẽ ko nhận vị trí trên. 


Chào tạm biệt Berlin. Cả đoàn chuột túi tiếp tục hành trình Châu Âu. Hẹn gặp lại.


Hà Nội nè, ngủ ngon nhé <3

Lindau ngày đầu tiên:


Hôm nay GS Steven Chu (Giải Nobel Vật Lý năm 1997 và nguyên Bộ trưởng bộ Năng lượng Hoa Kỳ) nói với rằng "If nature tells you something..Listen. If you don't understand...Think!". Chả hiểu sao lúc đó đứng đối diện nghe, mình tự dưng chỉ muốn thay chữ "nature" bằng chữ "em".


Nhìn chung một ngày có quá nhiều điều để kể, nhưng ở trong gian phòng với gần bốn chục GS đoạt giải Nobel, cùng các GS khách mời, rất nhiều chính trị gia, nhiều doanh nhân, và hàng trăm nhà khoa học trẻ tới từ hơn 90 quốc gia, cùng với một loạt phóng viên cầm đủ loại máy móc nữa, quả thực sự rất được truyền cảm hứng.


Ra ngoài khỏi khu vực hội thảo, lại thấy yên bình. Vốn là người hướng nội, cứ một lúc nào đó nói chuyện với quá nhiều người, năng lượng lại tụt hẳn xuống, lại phải chạy ra ngoài, đứng một mình nhìn sóng vỗ vào mấy con thuyền neo đậu gần đó, để sạc lại năng lượng, và rồi chạy vào tiếp. Và những lúc đứng một mình vậy, lại muốn gom nhặt đầy cảm xúc thương nhớ và tràn ngập hoa từ hòn đảo Mainau (the flower island) gửi tới "nature".

Hôm nay mình gặp và tặng một số Giáo sư (Nobel Laureates) con gấu Koala của Úc. Mọi người có thấy các chú gấu Koala đang ôm dây đeo thẻ của các Giáo sư không?


Từ trái sang phải, trên xuống dưới: Ada E. Yonath (Hóa Học 2009), David J. Wineland (Vật Lý 2012), Alain Aspect (Vật Lý 2022), Gerardus ‘t Hooft (Vật Lý 1999), William D. Phillips (Vật Lý 1997), Duncan M. Haldane (Vật Lý 2016), và con gấu koala của mình.


Nay mình và một vài bạn khác cũng được nói chuyện rất lâu với Ada Yonath, một trong những nhà khoa học nữ hiếm hoi được giải Nobel, và cũng là nhà khoa học nữ duy nhất đang còn sống được giải Nobel về Hóa học. 


Giáo sư nói về các câu chuyện tuổi thơ, ví dụ như lúc 5 tuổi vì tò mò muốn biết cái trần nhà cao bao nhiêu, mà xếp ghế leo lên để đo, và bị ngã gãy tay. Hay nói về lúc từng bị sa thải khi bắt đầu sự nghiệp, hay khi được nhận vị trí ở một phòng thí nghiệm lớn nhưng lại bị tai nạn xe đạp và chấn thương sọ não phải điều trị ở trong viện hơn 6 tháng, hay là lúc sang Đức thì vì không biết văn hóa, nên sang đúng vào cuối tháng 12, mọi người đi nghỉ lễ hết, nên không ai tiếp đón, phải tự một mình đi lên thư viện đọc sách cho qua ngày lễ. Và tình cờ, đọc được bài viết về con gấu bắc cực và hệ thống chuyển hóa dinh dưỡng của nó trong thời kỳ ngủ đông, mà từ đó tình cờ nghĩ ra ý tưởng nghiên cứu về bào quan tổng hợp chuỗi polipeptit (Ribosome), rồi mãi sau này được giải nobel về cái đó. Những câu chuyện rất đời thường, nhưng ai cũng có thể trải qua, và nhờ vào sự tò mò, tính thích khám phá, mà đã không bỏ cuộc. 


Ada cũng nói về vấn đề xuất bản quá nhiều, mọi người ai cũng muốn làm influencer trong khoa học, chứ không quan tâm tới “the science”, ý tưởng đột phá, hay nội dung của các bài báo nữa. Hay là bàn xem là khi nào thì nên theo đuổi một câu hỏi khoa học, khi nào thì nên biết dừng lại nghỉ ngơi và thay đổi cách tiếp cận.


Nhưng mà câu hỏi mà làm mình thấy thích Ada nhất là khi có một bạn nữ tới từ Argentina hỏi rằng nên làm gì để phụ nữ khỏi bị áp bức, làm gì để có nhiều con gái theo học ngành khó như Vật lý, Hóa học, hay có nên năm sau ở hội thảo sẽ có một session riêng cho các nhà khoa học nữ để khuyến khích mọi người nộp vào không?


Rồi một bạn khác bảo là phụ nữ thường phải làm nhiều thứ quá, phải chăm sóc gia đình, chồng con, và cùng lúc cũng phải làm khoa học như người khác. Làm sao để cân bằng được?


Và Ada có vẻ rất thẳng thắn, hỏi lại luôn là tại sao em lại đang làm nhà khoa học trẻ, tại sao em lại làm khoa học?


Bạn kia bảo là vì bạn ấy muốn tìm hiểu thêm, học thêm về 

vấn đề bạn ấy đang làm. 


Ada nói, đúng rồi, đó chính là câu trả lời. Hãy dùng sự tò mò của mình để mà làm việc chăm chỉ hơn, rồi từ đó người ta công nhận mình vì chính cái mình làm. Đừng để người khác công nhận mình chỉ vì mình là phụ nữ. Ada nói luôn là “Use curiosity to drive science, not the privilege of being a woman to get you chosen”. 


Các bạn lại xôn xao vì câu trả lời đó, đặc biệt là các bạn nữ trong phòng, thì GS lại tiếp lời “vì sự tò mò muốn khám phá, nên dù điều kiện ra sao, cô vẫn làm việc nhiều đêm trắng để tìm câu trả lời, cùng lúc làm đủ mọi bổn phận trong xã hội, nhưng mà vẫn thấy năng lượng để nghiên cứu, tất cả là vì tính tò mò. Cô chưa bao giờ phàn nàn về việc phải làm việc nhiều cả."


Có một số bạn bảo rằng nhưng mà thực sự là phụ nữ bị ấm ức thật. 


Ada nhấn mạnh, thế các em đang không nhìn câu chuyện từ góc nhìn của đàn ông rồi. Đàn ông chịu rất nhiều áp lực, luôn là người phải chu cấp, luôn phải mạnh mẽ vì điều đó. Ngoài ra đàn ông họ đấu đá nhau còn mạnh hơn nhiều, họ còn chịu ấm ức cũng không kém. Cuối cùng thì Ada còn bảo rằng, đàn ông còn không thể có thai, và nó như là một hình phạt cho họ vậy, vì họ không thể quyết định được lúc nào thì họ được làm bố, chỉ có phụ nữ có quyền đó thôi. 


Vì thế nên hãy làm việc chăm chỉ, luôn tò mò học hỏi, và nên tập trung  vấn đề khoa học thay vì nghĩ xem làm sao để mình có thêm lợi ích vì mình là phụ nữ. Vì ai đó có tính tò mò và được đắm chìm trong nó, thì rồi sẽ được công nhận kết quả, sau nhiều ngày làm việc không bỏ cuộc đó. 


Nhìn chung nghe một người phụ nữ nói ra những điều này làm mình thấy thích GS hơn, góc nhìn khẳng khái, hiểu cho cả hai phía, và có cách tiếp cận một vấn đề trong cuộc sống vừa truyền thống vừa hiện đại. 


Cuối cùng thì mọi người có hỏi là vốn sinh ra trong một gia đình nghèo, không được điều kiện học hành tốt, thì khi vào các trường lớn, lab lớn, thì có bị hội chứng kẻ giả mạo (imposter syndrome) không? Ada hỏi, đó là cái gì thế, mọi người bảo đó là cảm giác sâu sắc rằng bản thân không xứng đáng với thành công mình đã đạt được, cùng nỗi sợ người khác “phát hiện” ra mình không tài giỏi đến mức đấy. Ada đùa “cái này cũng gọi là syndrome à, lần đầu tiên được nghe thấy đó, cảm ơn em đã dạy cô một kiến thức mới nhé. Nhưng mà em đừng lây triệu chứng này cho cô nha”. Mọi người cười, còn Ada không trả lời thêm nữa. Con gái của Ada (ngồi gần đó) tiếp lời là ở thế hệ trước, mọi người chỉ quan tâm tới vấn đề của họ, và họ cứ thế làm thôi, không quan tâm quá nhiều tới xung quanh đánh giá mình ra sao đâu. Bây giờ giới trẻ vì lúc nào cũng có ai đó theo dõi (ngoài đời, trên mạng xã hội, etc.), nên cứ luôn cảm giác mình không tốt bằng người khác, tạo nên một từ mới là “imposter syndrome”.


Các giáo sư khác cũng đều có nhiều bài học rất hay, ví dụ như giáo sư Gerardus Hooft ngồi bàn về vẻ đẹp của toán học, cách tiếp cận các phương trình toán như thế nào, hoặc GS Steven Chu nói về tương lai của vật lý trong việc giải các bài toán phức tạp đa ngành, hay GS Anne L’Huillier nói về hành trình lịch sử của vật lý lượng tử. Rất nhiều điều mà có lẽ một ngày nào đó mình mong sẽ được ngồi xuống cạnh bên mà kể cho ai đó nghe, từ cuốn sổ tay được viết chi chít của mình.


Cuối ngày mình end-up nhảy lên con bò tót và cưỡi nó, một sự kiện trong đêm Texas của tuần lễ.


Rất nhiều câu chuyện hôm nay, nhưng mình sẽ mở đầu với Donna Strickland (giải Nobel Vật Lý 2018) với câu nói “If I failed, I could go back, stay at home and be a housewife. Man can never have that option”. (Nếu tôi thất bại, tôi sẽ quay trở về và ở nhà làm vợ. Đàn ông không bao giờ có được lựa chọn đó). 


Đó là câu trả lời của Donna khi ai đó hỏi cô về cảm giác thế nào khi phụ nữ mà đi nghiên cứu ngành vật lý lượng tử. Mình muốn mở đầu với Donna vì để tiếp tục bài viết hôm trước về Ada, về góc nhìn của những giáo sư đoạt giải Nobel nữ về quan điểm nữ quyền thế nào. Ồ, và mình sẽ không viết trên Facebook kể về các nghiên cứu của các giáo sư đâu, vì viết mấy cái đó lên cũng không ai đọc, và đọc cũng không mấy ai hiểu. Nên bài viết của mình chỉ tập trung vào các câu chuyện cá nhân của các giáo sư thôi nhé, để thấy rằng đạt giải Nobel nhưng họ cũng là con người như những người khác thôi. 


Mình chia sẻ nhật ký trong những ngày này vì mình biết rằng mình là người Việt hiếm hoi (có thể tới giờ là duy nhất?) được tham gia sự kiện như thế này, và muốn chia sẻ những gì mình nghe thấy được từ các giáo sư cho mọi người. Nghe gì, mình viết lại, và chia sẻ, các bạn tự đọc và cảm nhận nhé.


Tiếp tục về câu hỏi là người phụ nữ hiếm hoi được giải, Donna ngắt lời và nói rằng “I am the only one on the whole floor of my building using the women’s bathroom. Isn’t that awesome?” (Tôi là người phụ nữ duy nhất trong tầng nhà sử dụng nhà vệ sinh nữ, không phải chia sẻ với ai cả. Các bạn có thấy điều đó tuyệt vời không?)


Lại có người hỏi giáo sư về imposter syndrome (hội chứng kẻ mạo danh), Donna nói rằng tất cả mọi người đều có hội chứng đó cả, nhưng đạt giải Nobel rồi thì nó lại càng tệ, vì giờ tất cả mọi người đều nghĩ rằng tôi biết tất cả mọi thứ. Và cách để vượt qua nó ư, đơn giản là tôi không quan tâm đến ai nghĩ gì cả. 


Một số câu quotes tiếp từ Donna

“Every privilege requires responsibilities” (Mọi đặc quyền đều đi liền với trách nhiệm). Câu này khá gần với câu nói của Brian Schmidt (Nobel Vật Lý 2011) rằng “you only have power when you are given power” (Bạn chỉ có quyền lực khi có ai đó đưa cho bạn quyền lực đó). 

Khi mọi người hỏi Donna rằng có phải môi trường nghiên cứu càng ngày càng tệ không, thì cô bảo “No. Research was not better then. Every generation say that same sentence”.

Cuối cùng, về Donna thì mình muốn kết thúc bằng câu “In a room of full classical musicians, and everyone is talking about classical musics. It is not your taste nor your expertise. Would you break the conversation and tell everyone to talk about what you like? No, you have to learn a lot to fit in”.

==============

Người thú vị tiếp theo mà mình có cơ hội nói chuyện là giáo sư Brian Schmidt (giải Nobel Vật Lý năm 2011, và là nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Quốc gia Úc). Mình khá may mắn khi được ăn trưa cùng với Brian tới tận 2 lần (mỗi lần đều ở trong bàn mâm 10 người). 

Nếu ai từng học ĐH Quốc Gia Úc, thì sẽ đều biết ở đó có một chính sách rất thú vị, đó là sẽ cố gắng hết sức để tỷ lệ tất cả các phòng ban của trường đều một nửa nam một nửa là nữ. Nhưng cũng có một số chỗ thú vị, ví dụ như phòng bảo vệ quyền lợi phụ nữ, nhưng lại có tới 1 nửa là nam vào đó làm. Lúc các nhân viên nữ kêu ca, thì Brian bảo rằng mọi bầu chọn đều phải đến từ hai phía, cả hai phải hiểu nhau mới làm việc được với nhau. Bầu chọn, tuyển người, đề bạt, đều phải công bằng và dựa vào năng lực, không phải vào giới tính. 


Brian là một trong những người hiếm hoi mà làm khoa học xuất sắc, nhưng làm hiệu trưởng cũng tuyệt vời. Kể về cảm giác khi làm hiệu trưởng, ông bảo rằng, mỗi ngày thức dậy, sẽ có khoảng 18 nghìn sinh viên và khoảng 5000 nhân viên tới trường. Có nhiều người đó là ngày tốt, có nhiều người đó là ngày xấu. Là hiệu trưởng, tôi không làm việc khi mọi người có điều hơi tốt, hay điều hơi xấu, mà là khi họ có điều gì đó rất tốt, và có điều gì đó cực kì tệ. Đó là cảm giác của người làm hiệu trưởng. 


Khi mình hỏi về việc chính sách thuê người, Brian bảo rằng, ông không thuê ai đó mà xuất bản hàng chục bài báo mỗi năm, thế thì mỗi tháng ra một bài, vậy thì chắc còn chả có thời gian mà đọc tới bài báo có tên của mình trong đó. Tôi thuê những người có năng lực, họ chỉ cần nói cho tôi một hoặc hai bài báo, giải thích cho tôi tại sao bài báo đó quan trọng, có tầm ảnh hưởng, và có tính sáng tạo.


Mình lại bảo đó là ý kiến của thầy, nhưng mà hầu hết mọi nơi đều vẫn chạy theo số lượng, theo chỉ số trích dẫn mà. Giáo sư bảo lại rằng, nếu bây giờ mà em xuất bản một bài báo thật tốt đi, thì mọi người sẽ quên đi là em có bao nhiêu bài báo liền. 


Bổ sung thêm là ý kiến của Brian cũng giống với hầu hết toàn bộ suy nghĩ của mọi laureates khác, không chạy theo số lượng, theo chất lượng thôi. 


Mình hỏi giáo sư rằng nên chọn đề tài nào để nghiên cứu, thầy bảo rằng hãy làm đề tài nào mà bản thân em nghĩ là quan trọng. Đừng làm đề tài mà mọi người khác nghĩ là quan trọng, vì những thứ và mọi người khác nghĩ là quan trọng thì thường là những thứ đã lỗi thời. 


Tiếp theo mình hỏi giáo sư thì trong nghiên cứu, đôi khi gặp câu hỏi khó quá, vậy khi nào thì nên từ bỏ? Brain bảo rằng “Sometimes you run into a brick wall. Then you bang your head against it. Keep doing it, eventually something will break, either the wall, or your head. A smarter way is going to the people that you think might know the answer, and ask them first”. Đôi lúc em sẽ đâm đầu vào một bức tường dày, nếu em tiếp tục đập đầu vào đó, rồi dần dần cũng có thứ sẽ vỡ, có thể là cái tường, nhưng cũng có thể là đầu của em. Có một cách thông minh hơn là tại sao không thử tiếp cận ai đó có thể biết câu trả lời và hỏi ý kiến của họ trước. 


Mình hỏi Brian về việc làm sao để cân bằng được cuộc sống khi bản thân là Nobel Laureates, là hiệu trưởng nữa. Ông bảo rằng mỗi ngày ông có một cái danh sách, và cứ khi nào ông làm hết việc trong đó, ông sẽ nói không với mọi thứ. Việc nói không này rất quan trọng, vì sao, vì để đảm bảo là cuối ngày ông có thể về nhà đúng giờ nấu bữa tối cho vợ. Thầy bảo với mình rằng, em cũng nên học dần cách để nói không đi. Vì nhận lời là chuyện rất dễ, nhưng từ chối để biết được ưu tiên của mình là gì thì đến bây giờ thầy vẫn phải học nó mỗi ngày. 


Khi nói về việc làm mentor, thì thầy nói rằng quá trình mentoring là quá trình để mình kiểm tra lại giá trị bản thân. Đôi lúc khi mình trở thành chuyên gia trong lĩnh vực nào đó, mình sẽ trở thành những lousy mentors (không biết dịch từ này như thế nào). Tuy nhiên mình không nhận ra rằng có một số con đường có thể đúng cho mình, nhưng chưa chắc là tốt cho người khác. Vì thế nên trong quá trình mentor ai đó, phải luôn soi chiếu lại chính bản thân mình. 


Cuối cùng, mình kết thúc kể về Brian bằng câu trả lời cho việc nên làm tiếp trong sự nghiệp nghiên cứu academia hay là ra doanh nghiệp industry, thầy bảo rằng em có còn tò mò về nghiên cứu của em không, vì sự tò mò rất quan trọng, có nó em sẽ sẵn sàng mạo hiểm (take risks). Research has to be driven by curiosity. Nếu em thấy mình không còn tò mò nữa, thì có lẽ là lúc đi ra nơi nào trả mình lương cao hơn để có cuộc sống tốt hơn rồi đó. 


Bổ sung thêm là Brian chứng mình rằng vũ vụ đang giãn nở ra với biến chuyển tăng tốc (accelerating). Khi đó, mọi người khác và các mô hình trên thế giới đều bảo rằng sự giãn nở của vụ trụ là đang giảm tốc (decelerating). Và thầy đi ngược lại với mọi người và chứng minh là mình đúng. Điều này giúp thầy được giải Nobel. Nhưng cũng tạo nên bài học thú vị cho người trẻ như mình.


Khi mình hỏi thầy là thầy thích đọc cuốn sách nào nhất, thì giáo sư bảo rằng cuốn sách yêu thích nhất của ông là “The making of the atomic bomb” của Richard Rhodes. 


Định kể tiếp về Eric Betzig và Michael Kosterlitz, nhưng buồn ngủ quá rồi, phải để tối mai thôi. Và còn một bài kể về “Potential and hype in quantum technology: Where are we headed?” nữa. 


The Lindau journey continues tomorrow. For now, ngủ đã.


Trong ảnh:

Đoàn của Úc chụp với Giáo sư Brain Schmidt (giải Nobel Vật lý 2011) và công nương Bettina Bernadotte.

Giáo sư Walter Gilbert (giải Nobel Hoá học 1980).

Giáo sư Donna Strickland (giải Nobel Vật lý 2018)

Giáo sư Efim Zelmanov (giải thưởng Field 1994)


P/s: Mỗi ngày của mình bắt đầu từ 6h, chuẩn bị xong thì 6 rưỡi đi bộ  tới chỗ hội thảo, vừa tới lúc 7h thì vào, và cứ thế chạy qua chạy lại hết cỡ để có thể tham gia được chương trình. 7h tối thì kết thúc. 7h30 tối bắt đầu chương trình ăn tối. 10h30 tối rời toà nhà, đi bộ tới 11h tối về đến nhà. Tắm rửa xong, rồi mở máy lên trả lời một số emails dồn trong ngày tầm khoảng 1 tiếng, tiếng rưỡi, và note lại, sắp xếp ưu tiên các emails để sau này trả lời. Sau đó thì viết bài này. Và ngủ tầm 5 tiếng thì lại dậy quay lại vòng lặp. Tại sao mệt bã ra thế vẫn viết? Không biết nữa. Có thể mình sợ để lâu rồi mình quên đi, hoặc cảm xúc bị giảm đi. Nhưng cũng có thể sẽ có ai đó muốn đọc được tổng kết mỗi ngày của mình hay những bài học mình chọn lọc ra và nhắn nhủ với họ chăng?

Điểm nhấn của ngày hôm nay là mình được nghe bài giảng Heidelberg Lecture từ Giáo sư Efim Zelmanov (Giải thưởng Field năm 1994 cho công trình Lý thuyết nhóm - combinatorial problems in nonassociative algebra and group theory).


Bài giảng với chủ đề về Vẻ đẹp của Toán học “What Do Mathematicans Think About?”, giáo sư dắt mọi người đi qua mọi mặt của toán học, nói về nghệ thuật trong Lý thuyết Galois “A golden standard of beauty in mathematics”, hay là sự duyên dáng trong Lý thuyết nhóm “I don’t know if God exists, but if he exists, then he knows Group theory”.


Bài giảng cũng đưa mọi người qua thuyết Lagrange, cho tới Hermann Weyl, từ limitation của Gauss’s elimination, cho tới ngày hôm nay trong AI CEOs open letter “While today’s advances might suggest classic mathematical topics like calculus on algebra are outdated, nothing could be further from the truth. In reality, modern AI systems are on rooted in mathematics!”. Hay nói về ngày giáo còn học trong trường đại học, khi đó học máy (Machine Learning) còn có cái tên là “Pattern Recognition in Multidimensional Spaces”.


Bài giảng cũng nói về toán học giống như cái cây vậy, mọi thứ đều liên kết với nhau, nếu cắt phần nào đó thì cũng làm cái cây bị chết đi, nên Toán ứng dụng (Applied Maths) và Toán cơ bản (Pure Maths) là hai phần không thể thiếu của Toán học. Bởi vì Galois, Radon, Margulis hay Jim Simons là các nhà toán học cơ bản.


Đặc biệt mình may mắn có cơ hội được nói chuyện riêng với giáo sư khá lâu về cách dạy toán, về cách giúp học sinh hiểu sự quan trọng của Toán. Efim nói về việc cách điện thoại truyền tín hiệu, và mổ xẻ cái hàm rời rạc của Trường hữu hạn (Galois field) để giải thích nó. Giáo và mình cũng nói về việc làm sao để có thể cho toán ít đáng sợ hơn, nhất là với học sinh, sinh viên.


Ngồi nghe bài giảng và mình mơ màng rằng ai đó cũng yêu toán, nhất là toán tổ hợp, chắc sẽ rất thích khi được ngồi ở đây, gặp Efim và nghe bài giảng này lắm.

Eric Betzig (giải Nobel Hóa học 2014)  là một người khá đặc biệt, có phần ngông, và có gì đó rất chất “Mỹ”. Sinh ra ở Ashburn, Virginia trong một gia đình khá giả (bố có công ty riêng). Cho nên việc học của ông này cũng dễ thở, đi học đại học ở Caltech, sao đó làm MS và PhD ở Cornell. Xong ra trường thì được nhận vào Bell Lab để làm việc. Làm một thời gian thì chán (theo lời của Eric hôm nay thì thấy ở mỗi góc của tòa nhà lại có một nhóm làm một cái nghiên cứu khác nhau, cái nào cũng tuyệt vời, những cả tòa nhà lại không giao tiếp được với nhau). Bỏ việc, Eric về thất nghiệp và quyết định ở nhà chăm con (lúc đó cũng là lúc con gái đầu của giáo sư ra đời). Trong vòng một năm này, Eric viết ra được cái bài báo về near field optics. Sau một năm thì Eric vào làm cho công ty của gia đình, và sau khi tiêu tốn khá nhiều tiền thì sau 6 năm, cái máy Flexible Adaptive Servohydraulic Technology chỉ bán được có 2 cái. Ông lại bỏ việc, và trong khoảng này cũng có đứa con tiếp ra đời, ông lại ở nhà chăm con. Lúc đang đẩy con trong nôi thì ông nghĩ ra ý tưởng, thế là rủ bạn mình là Harald Hess, mỗi người bỏ là 50 nghìn đô, tự đầu tư làm dự án, đây là khoảng ông viết ra được cái bài báo thứ hai về cái máy fluorescence microscopy của mình, với mục tiêu là nếu thành công thì sẽ startup công ty. Nhưng sau đó lại đổi hướng chuyển quay lại với trường đại học (lý do là khi đi trình bày về cái sản phẩm và thấy mọi người không ai hiểu, chỉ có mỗi một ông giáo ở trường Columbia là hiểu). 


Sau này, cả hai bài báo lúc ông viết trong lúc thất nghiệp kia là hai bài báo được Hội đồng Nobel xem xét để trao giải thưởng. 


Khi được hỏi là tại sao lại tự bỏ tiền ra làm thế, Eric bảo là “It’s because the technology is f**ing cool, and it is even cooler when you are doing the research with your best friend”. 


Eric có một góc nhìn không mấy thiện cảm với quy trình học thuật hiện tại, đặc biệt là quá trình thẩm định (peer review process). Ông bảo là một con kiến thường sẽ ngửi mùi pheromone của con kiến khác, nó sẽ bám theo. Dần dần sẽ tạo thành một đàn kiến. Đôi lúc đàn kiến đi thẳng, nhưng cũng có lúc sẽ lệch. Rồi lệch dần, lệch dần, cho đến khi cái con đầu tiên sẽ nối vào đuôi con cuối cùng, và cả đàn giờ sẽ cứ đi mãi thành vòng tròn. Quá trình thẩm định khoa học (peer review process) bây giờ nó giống như thế. 


Và vì điều đó, tới tận bây giờ, Eric vẫn chưa bao giờ viết bất kỳ một cái đề xuất (proposals) nào cả, và chưa bao giờ nhận cái tài trợ grant nào cả (tuy nhiên cũng nên chú ý là nhà Eric rất giàu, nên tiền toàn tiêu từ tiền túi ra).


Giáo sư bảo rằng giờ người ta làm khoa học cứ cố gắng chạy thật nhanh, và xuất bản thật nhiều. Một người sinh ra, rồi đi học hết cấp 3, đại học, sau đó vào PhD, và cuối cùng là tốt nghiệp là ở cái đỉnh cao của học hành, thì bắt đầu vào postdoc, và sẽ bắt đầu quá trình làm cái máy sản xuất báo. Mỗi người làm postdoc sẽ được ném vào một cái tổ chức non-profit (trường đại học) nào đó, làm việc quên ngày quên đêm, và sau đó làm hết cái postdoc này, sẽ sang làm cái postdoc khác. Quyết tâm là viết nhiều bài báo để được xin vào làm giảng viên cho một trường nào đó. Quá trình chạy theo số lượng báo và tăng trưởng quá nhanh đó làm cho khoa học không còn tốt nữa. 

Và đặc biệt là mỗi lần có một vài bài báo, rồi có giải thưởng, thì cứ như được tiêm những điều dopamine vậy. Và theo Eric, giải thưởng trong khoa học nó rất độc hại, vì cái liều dopamine boost đó nó tồn tại rất ngắn, không giúp giải quyết bài toán khoa học lâu dài. 


Buồn cười là khi được hỏi là nếu không có quá trình thẩm định peer review, thì làm sao thầy có được giải Nobel, Eric bảo rằng “I don’t give a f**k about the Nobel prize”. Được giải rồi làm cuộc đời thầy khá bị quấy rầy. Đặc biệt là giờ rất khó để tìm được những khoảng lặng để suy nghĩ. Eric bảo rằng, “collaboration is important, but equally important is to disconnect to think. Turn things off. Social media is noisy, young scientists, please turn them off if you want to do good science.”


Eric rất ủng hộ năng lượng hạt nhân. Ông bảo rằng cách mọi người nói về năng lượng này thật sai lệch và làm cho mọi người sợ nó. Chúng ra chưa thể có được công nghệ để loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, nên đừng đi bảo mọi người bỏ việc sử dụng nó đi. Thay vào đó, xây dựng năng lượng hạt nhân là cách để con người giảm thiểu tác động tới khí hậu nóng lên. (đoạn này mình không đồng ý lắm, nên có tranh luận với thầy một hồi). 

==========


William Phillips (giải Nobel vật lý năm 1997), người mình có cơ hội ngồi ăn tối với cả vợ chồng gần 4 tiếng, nên nói chuyện được rất nhiều. 


Câu chuyện đi từ việc thảo luận sự phát triển của máy tính lượng tử, cho tới việc giải phương trình dòng chảy rối (nghiên cứu của mình) sử dụng công nghệ lượng tử, liệu có tốt hay không tốt?


Những câu chuyện về lúc nhận giải Nobel của vợ Bill kết cũng thú vị. Lúc đó giáo sư đi công tác ở California, mà lại chỉ mang theo điện thoại cá nhân. Không gọi được cho giáo sư, nên hội đồng quyết định làm một việc đặc biệt, đó là thông báo qua sóng radio. Sáng hôm đó vợ Bill đang lái xe, thì bỗng nghe ai đó nói là “Someone from Harrisburg is very happy today”. Bà còn bảo là chắc ai đó đang trúng xổ số. Không ngờ rằng họ công bố giải. Bà vẫn không tin, gọi cho chồng, và rồi có số điện thoại, họ gọi Bill và chính thức thông báo. 

Từ ngày đó, cuộc sống của Bill và Jane thay đổi hẳn, nhất là với Jane. Vì giờ là vợ của một Nobel Laureates rồi, nên phải di chuyển nhiều, đi theo chồng nhiều, tham gia sự kiện, trở thành như một người trợ lý của chồng. 


Tuy nhiên bà bảo cái thay đổi nhất là giờ đi đâu ai cũng nghĩ là Bill biết hết tất cả mọi thứ. Nhưng thực ra trong nhà thì cái gì cũng phải đi hỏi vợ. Bill cười và gật đầu đồng ý. 


Mình tặng vợ chồng Bill hai con gấu Koala, và một gói kẹo Tim Tam. Bà còn bảo chụp ảnh phải cầm kẹo giơ lên, vì bà có người bạn thân là người Úc, để bà gửi ảnh cho bạn của bà. 


Bill tặng lại mình bảng tuần hoàn hóa học, mà theo ông, là bảng tuần hoàn chính xác nhất, đầy đủ nhất trên thế giới hiện tại. Ông cũng ký lên bảng tuần hoàn đó. 

==========


Tiện đây thì mình được tặng kha khá quà (bảng tuần hoàn, thẻ công thức, sách được ký, sổ có viết vài câu nhắn gửi, bút,…), ah có giáo còn tặng cho mình cái lò xo làm từ vật liệu được thiết kế đặc biệt, khi kéo co dãn ra bao nhiêu đi nữa (độ kéo căng gấp khoảng 35 lần so với lò xo bình thường), thì chỉ cần hơ nóng, nó sẽ quay về trạng thái bộ nhớ được thiết kế sẵn, về lại ban đầu.  Đây toàn mấy cái nhỏ nhỏ là quà của các giáo sư. Mình quyết định sẽ giữ các món quà này, với mục đích là lần tiếp theo tới đây khi nào về thăm quê, ghé thăm lại trường cấp 3 cũ (Chuyên Hà Tĩnh), mình sẽ tặng lại các em học sinh nào xứng đáng nhất. 

==========


Cuối cùng thì mình muốn nói về Michael Kosterlitz (giải Nobel Vật lý năm 2016), vì mình được nói chuyện với ông về topology (Tô pô) và Quantum Hall effect, thảo luận về quantum system và classical system, đặc biệt là trong nghiên cứu của giáo sư về two-dimensional superfluids and magnets, và của mình về turbulence modelling. Lúc đang nói chuyện thì Duncan Haldane cũng tham gia, cùng vây quanh bởi các bạn trẻ khác. 


Michael có bảo nghiên cứu của mình hiện tại là hướng đi đúng, vì vấn đề trong tự nhiên thường tới từ sinh học, những phương pháp để đo đạc tiếp cận lại tới từ vật lý, và thực hiện qua toán học và khoa học dữ liệu. Vì thế nên cứ “keep up the good work!”. Một lời động viên nhỏ nhưng làm mình sướng rân.


Mình đứng nghe mọi người thảo luận tiếp về topology và lượng tử,  mà cứ mơ màng về một mối tình giữa vật lý và toán vậy.  

==========


Từ trái sang phải: 

Eric Betzig (giải Nobel Hóa học 2014)

Brian Schmidt (2011 Vật lý)

Anne L'Huillier (2023 Vật lý)

Michael Kosterlitz (2016 Vật lý)

William Phillips (1997 Vật lý)

Takaaki Kajita (2015 Vật lý)

George Smoot (2006 Vật lý).

Và một số quà (bảng tuần hoàn, sổ…) mà các giáo tặng mình mà mình sẽ giữ để tặng lại cho các bạn học sinh cấp 3.


Đứng bên nói chuyện với giáo sư Dan Shechtman (giải Nobel Hoá học 2011) là Countess Bettina, công nương hoàng gia Thụy Điển. Chị này là trưởng ban tổ chức của chương trình, hôm nay chị ấy mời toàn bộ mọi người tới thăm hòn đảo hoa và lâu đài nơi chị ấy sống, trên con du thuyền rất lớn của gia đình (toàn bộ gần một nghìn người có thể thoải mái trên thuyền). Mình tặng chị con gấu Koala hai ngày trước, và chị ấy đeo nó khắp nơi, kể cả lúc lên phát biểu ở sân khấu. Hôm nay mình mới có cơ hội đi bộ cùng và nói chuyện lâu hơn với chị.


Ông nội chị này là người rất yêu cây cối, nên quyết định mua hòn đảo này để đưa các giống cây lạ về. Trải qua bao đời, thì giờ trên đảo có đủ thứ cây lạ từ thông đỏ, đến tùng, đến mấy loại cây ở Nam Mỹ, Châu Phi có đủ cả. Tới khi chị này quản lý thì chị bắt đầu cho trồng hoa. Bả rất yêu hoa, và đặc biệt cực kỳ yêu hoa hồng. Nên cả hòn đảo tràn ngập hoa, đến nỗi người dân địa phương gọi là flower island. 


Chị ấy nói chuyện rất có duyên, và cũng cực kì khiêm tốn, dù là hiểu biết không kém khi có thể giải thích vanh vách mấy loại cây, giống hoa, nói về văn hoá, lịch sử của nhiều nước. Bả bảo là bà thích ăn phở, nhưng thích phở cay và thật nhiều quế. Hơn chục năm trước có thử chuyển cây quế về trồng nhưng không thành công. Dù có tuổi, nhưng khi nói chuyện vẫn có nét nữ tính, duyên dáng, và có nét học thức toát ra trong từng câu trả lời. Dáng người gầy, khoẻ, và năng lượng. Đặc biệt thì bả cực kì khiêm tốn. Trong mấy ngày qua bà chạy qua chạy lại với từng người một, chỉ đạo từ nhân viên phục vụ cho tới cả các khách mời. Bả ngồi ngang hàng với các vua, các công tước công nương, bộ trưởng, và các giáo sư, nhưng bữa tối nào ăn uống chào hỏi tý, rồi bà lại chạy lại giao lưu với các nhà khoa học trẻ. Hôm trước lúc phục vụ ăn trưa thì nhân viên có rời chỗ bàn giao đồ ăn xíu, thế là bả chạy qua đó phục vụ luôn vì không muốn tụi mình xếp hàng chờ lâu. Tối hôm trước còn quẩy và nhảy rất sung với toàn bộ mọi người, và uống bia thì đúng là uống cả vại. Đúng kiểu dân làm du lịch.


Nói tới du lịch, thì gia đình chị này giờ kinh doanh chính dịch vụ nhà hàng, khách sạn. Nhưng cách họ chọn phương pháp kinh doanh cũng đặc biệt, họ tập trung vào tổ chức các hội thảo khoa học. Rất nhiều hội thảo lớn, các cuộc gặp gỡ, trao giải trong khoa học, hay đơn giản là các trường hè cho học sinh, sinh viên. Quỹ của gia đình cũng có rất nhiều loại học bổng để cho mọi người tới tham gia. Chị ấy bảo là đó là cái đam mê tiếp theo của bả, vì chị thấy những con người có học thức thật hấp dẫn. 


Nếu mọi người chú ý, thì cả người chị này không hề có bất cứ hàng hiệu xa xỉ nào. Bả thích mặc gì đó gọn nhẹ, thể thao, thích mấy cái áo váy nhiều màu sắc, in hình cây cỏ chim cò, và đến cả cái túi cũng đã sờn. Mình chú ý thấy ngón tay bị đen, mình hỏi thì bảo là lúc sáng hôm qua dậy sớm đi làm vườn, tỉa hoa và tưới cây, làm đất, nên tay bị xước và dính nhựa nên đen xíu. 


Ôi mấy con người yêu hoa, họ cứ thế tự nhiên mà toả hương, sao cứ làm tim mình phải đập mạnh khi gặp gỡ thế nhỉ.

Toàn bộ nhà đoạt giải Nobel, trước sự chứng kiến của toàn bộ các nhà khoa học trẻ trên toàn thế giới, gửi đến toàn bộ lãnh đạo trên thế giới lời kêu gọi, và ký bản cam kết về việc chấm dứt phát triển và sử dụng vũ khí hạt nhân. "Mainau Declaration 2024 on Nuclear Weapons".


Chỉ đơn giản cảm giác hiện diện ở đây cũng khiến mình nổi cả da gà.

That's it! With bittersweet emotions, today's concluded our once-in-a-lifetime experience. Officially joined the Lindau Nobel alumni network. We are sailing to the future. 

Here is a big hug!