Nỗi sợ

Cái xe đạp lao vun vun trong đêm, mình thì thở hổn hển. Trong cái đêm mùa đông tháng Chạp của cái xứ lạnh ẩm miền Trung Hà Tĩnh, hơi khói cứ bốc ra che mờ hết cả cặp kính cận của thằng nhóc lớp 10 đi học thêm ca tối về. Trường tận trong chợ Tỉnh, dân huyện mà lại chẳng phải là huyện xa hẳn đi, huyện này nó ở ngay một bên thành phố, nên việc cặm cụi 30 phút đạp xe mỗi chiều để đi học là chuyện không tránh khỏi. Mình lẩm nhẩm, cố lên, chút xíu nữa thôi là đi qua chỗ đó rồi. Hai chân đạp quýnh lên như vậy. “Chỗ đó” là cái cầu bắc ngang qua sông chia cắt giữa thành phố Hà Tĩnh, nơi có đèn đường, và thị trấn Cày của huyện Thạch Hà, nơi đường tối hun hút, - cây cầu Cày. Ngày đó, đêm nào qua đây mình cũng phải đạp nhanh hơn một xíu, vì đơn giản là mình sợ. Chuyện bắt đầu từ cái tính tò mò không bỏ được của bản thân. Có người nhảy cầu, và người ta phải lặn để tìm xác, thế là mình theo đám đông chạy đi xem. Rồi khi lặn mãi không tìm thấy, người ta bắt đầu thả lưỡi câu, hàng trăm ngàn cái lưỡi câu sáng loáng thả xuống, để móc lên bất cứ thứ gì dưới đáy sông. Thằng bé ngày đó nhìn thấy cảnh đó. Một lựa chọn thật sai lầm! 

Nỗi sợ này còn kéo dài luôn sang năm sau, và còn sợ hơn, khi tối hôm đó đi học về, vẫn đạp xe rất nhanh, bỗng nhiên thấy mùi hương thoang thoảng. Ngoái đầu nhìn lại thì mới thấy là người nhà đang ra chỗ cầu làm lễ, họ để lại ít hoa, hương, và vài thứ gì đó nhìn như vàng mã. Rợn cả gáy, mình đạp xe như điên. Nhưng giờ lại sợ hơn trước, qua cái cầu là đi vào vùng không có đèn đường. Đạp xe loạng quạng và tầm nhìn hoàn toàn nhờ vào vài chiếc xe máy lâu lâu đi ngang qua, không hiểu sao càng cố đạp xe xa hơn, mùi hương kia nó càng mạnh.

Mình không còn nhớ hồi bé mình sợ gì nữa, nhưng bỗng nhiên vào một đêm không ngủ, đọc một bài viết về ký ức và những sự so sánh tương hỗ giữa hiện tại và trước kia, làm dòng ký ức của mình chảy về những nỗi sợ. 

Còn nhỏ chắc sợ đủ thứ, như bao đứa trẻ khác, nhưng hồi học cấp 3, nếu hỏi mình sợ gì, mình chỉ nhớ mỗi câu chuyện trên. Mình sợ ma, nhưng lại không sợ chết. Mình nhớ ngày mình học lớp 12, đi xe máy rồi phóng xe nhanh quá, mà ở phía trước là hai cái xe tải đi cạnh nhau (ngày đó đường trong phố vẫn cho xe tải đi, chứ chưa có đường tránh như bây giờ). Trong một giây, mình chỉ nghĩ, hay là chui lọt qua cái khe giữa hai cái xe đó nhỉ, rồi một giây sau đó mình lại nghĩ, cái khe không đủ rộng, thế là mình phanh gấp lại, ngã sóng soài. Không hiểu sao trong cái áo đồng phục lấm lem máu, mình lúc đó chỉ nghĩ, chết m…, từ giờ trở đi chắc không được đi xe máy đi học nữa rồi, lại phải quay lại còng lưng đạp xe rồi. 

Nhưng mà sau này mình nghĩ là mình có sợ chết. Rõ nhất là khi mình về Hà Nội gần đây, nếu đi grabbike mà bác nào vượt đèn đỏ, là mình quạu lên mà mắng luôn một tràng. Mình cứ nghĩ nếu có gì xảy ra, thì những gì mình cố gắng cả hơn chục năm qua nó sẽ biến đi mất. Mình cảm nhận được giá trị bản thân tăng lên, có lẽ vậy. 

Nhưng giá trị cao hơn, thì mình lại sợ đánh mất nó, đánh mất bản thân mình. Mình thấy rằng khi mình xây dựng được một hình ảnh nào gì đó rất đẹp, đúng với kỳ vọng của nhiều người, và đôi lúc nếu mình chìa ra những thứ yếu đuối, những thất bại, mình không được là cái hình ảnh đó nữa. Nó khiến mình lúc nào cũng phải gai góc, xù xì với chính cả cuộc sống của bản thân. 

Nỗi sợ về cái chết cũng gắn liền với nỗi sợ mất đi các mối quan hệ. Càng ở xa gia đình và quê hương, mình nhận ra mình luôn là kẻ tội lỗi. Đôi lúc chỉ nghĩ rằng nếu mỗi năm về thăm quê được một lần, thì thời gian được gặp bố mẹ chắc có thể chìa bàn tay bàn chân ra mà đếm được. 

Ở xa, cái nỗi sợ này càng lớn hơn, đôi lúc không phải là ai đó mất đi, già đi, mà là ai đó phát triển và mình không hiện diện ở đó để chia sẻ cuộc sống với họ, là anh chị em, là bạn bè. 

Rồi cũng vì ở xa, một nỗi sợ khác hơn, đó là nỗi tự ti về sự xuất phát điểm của bản thân. Không còn đơn giản là cái imposter syndrome (hội chứng kẻ mạo danh) nữa, mà là sợ rằng dù bản thân có cố gắng tới gấp 3, 4 lần, mình vẫn không phải là kẻ đi từ vạch đích. Mình đi từ trước cả vạch xuất phát, và phải cùng lúc vừa là người chạy, vừa là người dẫn tốc, vừa là người cổ vũ, và là trọng tài, cứ thể tự lôi bản thân đi qua từng khúc của cuộc sống trong cuộc đua mà xuất phát điểm của mình thấp hơn hẳn. Rồi mình sợ nếu có lúc nào đó mình không còn đủ sức để đua nữa thì sao nhỉ? Điều này nó quay lại với nỗi sợ “đi xe grabbike vượt đèn đỏ” lúc nãy. 

Sợ điều này vì đơn giản lắm, xuất phát điểm là thứ không ai thay đổi được. Nó giống như những nỗi sợ luôn đeo đuổi mình như là cảm giác khi ngồi trong máy bay mà nó bị rơi tự do vài chục mét, cái cảm giác mình không thể điều khiển được số mệnh của bản thân. Thứ mà mình không điều khiển và không thay đổi được, mình sợ điều đó. 

Mình hỏi bạn mình, mày sợ gì, nó bảo là nó chỉ sợ nghèo thôi. Mà nó đâu có nghèo, có công ty riêng, nhà cửa xe cộ đất đai không thiếu, tại sao nó vẫn sợ không có tiền nhỉ. Mình chưa bao giờ sợ điều này, xuất phát từ có lẽ ngày còn là sinh viên, rồi đi làm thêm, và hồi đó, làm cái nghề không cần phải học hành gì, rồi kiếm được mấy trăm đô một ngày (bằng luôn cả tiền học bổng của mình cả tháng), thế là mình nghĩ, tiền chắc kiếm cũng không khó lắm, có muốn hay không thôi. Nhưng rồi khi mình đi qua tuổi 30, mình lại nghĩ về những điều liên quan tới vật chất này, và sợ phải đối mặt với nó (mình không hề sợ là không có tiền nhỉ), nhưng sợ đối mặt với việc phải kiếm tiền. Trong đầu mình mấy năm nay cứ lâu lâu lại nhảy lên mấy con số như lãi suất ngân hàng giờ là bao nhiêu, giá nhà đất như thế nào, đã làm việc chính, làm thêm, mấy jobs cùng lúc rồi, sao mà tiền trong tài khoản nó vẫn tăng chậm thế nhỉ. 

Tuổi tác cũng là một nỗi sợ mới. Mình không sợ già, cũng không sợ tâm hồn mình già. Nhưng lại sợ không có sức khỏe để làm việc tốt được như trước nữa. Người ta hay nói là càng trưởng thành, kinh nghiệm tích lũy càng nhiều, thì không còn làm việc quần quật nữa. Mình có lẽ vẫn tham lam, vẫn muốn có những kinh nghiệm đó, những vẫn muốn có sức khỏe để làm việc thật nhiều.

Ngày xưa, một đêm đi học về, mình quyết định là thay vì đạp xe nhanh qua cầu, mình dừng xe lại luôn ở giữa cầu, rồi nói thầm thầm mấy câu như tao giờ đứng đây nè, nếu mày lảng vảng đâu đây thì ra đây gặp nhau đi. Rồi đợi mãi cũng không thấy ai cả, ngoài mình. Từ đó không còn sợ đi qua cầu nữa. Điều này cũng giúp mình tới tận bây giờ, vì đôi lúc mình đi thực địa, rồi phải ngủ luôn cắm trại ở trong xe, giữa rừng núi bên cạnh hồ nước mênh mông, thế mà toàn cứ làm việc mệt, rồi nghe cái sách nói audio book chưa được chục phút là lăn ra ngủ khì rồi.

Và mình thấy rằng đó là cách tốt nhất để mình đối mặt với các nỗi sợ, “tao đứng đây, mày ra đây gặp tao đi”. Sợ về sự kỳ vọng của người khác, giờ mình give a fuck về những điều đó rồi. Sợ các mối quan hệ biến mất, thì tìm mọi cách để cải thiện nó, tận dụng cái mà mình có được. Đó là lý do mà lần nào mình về quê, mình chỉ ở lì trong nhà. Đơn giản là mình chỉ muốn toàn bộ thời gian đó được dành trọn vẹn cho ngôi nhà và gia đình thôi. 

Cái chết thì sao nhỉ, mình nhớ đọc đâu đó có một đoạn như thế này “thực ra, chúng ta vẫn chết mỗi ngày. Nếu con người ngày hôm qua không chết, thì không thể có con người ngày hôm nay. Nếu con người 20 tuổi không chết thì con người 30 tuổi không đến. Vậy mà, có những người không bao giờ chịu chết. Khi nói về mình ở tuổi 30, họ chỉ nói về những đau khổ, oán hận ở tuổi 20. Họ không dám từ bỏ những đau khổ, oán hận đó vì như vậy không còn là mình. Họ nhất định để cho những oán hận, đau khổ tuổi 20 sống mãi.” Con người trưởng thành hơn, thì thay vì để mình dừng lại như thế, mình phải tìm cách để đi tới tương lai bằng phương pháp là truyền thụ được cái giá trị mình có cho thế hệ tiếp theo. Không chỉ là con cái, mà còn là học trò, là đồng nghiệp. Không chỉ là các sản phẩm trong công việc, còn là giá trị sống, những thứ mà thế hệ đó sẽ kế thừa được. Dạo gần đây mình đọc về việc di truyền tổn thương giữa thế hệ (một nghiên cứu còn rất mới). Nhưng nói chung là nếu đời mình không hạnh phúc, thì nó sẽ truyền qua gen sang thế hệ con cái mình. Ngược lại, nếu mình luôn có một cuộc sống tích cực, thì những đứa trẻ lớn lên cũng sẽ tích cực. 

Một cuốn sách của sư Thích Nhật Hạnh có tựa đề là “Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi”. Mình chưa đủ cứng cáp để đi đến được trạng thái như vậy. Gần đây trong một lần nói chuyện với bạn bè, mình còn bảo rằng, tao sợ là con tao lớn lên nó không còn thấm được cái giá trị văn hóa của Việt Nam nữa, nó đọc truyện Kiều mà không cảm nhận được câu chuyện phía sau, cũng như nó nghe giọng tao nói tiếng miền Trung mà chỉ biết nó nặng hơn tiếng Bắc, Nam, mà không biết được từ đâu mà giọng cái vùng này nó lại nặng thế, và cái “nặng” đó nó tạo nên cái cách sống, cái nghĩa tình, và văn hóa của cái xứ này ra sao. Buồn cười là, mình còn chưa có gia đình, nhưng lại sợ điều đó nhỉ. 

Nỗi sợ vốn là cảm xúc nguyên thủy nhất, giúp con người sinh tồn qua hàng triệu năm qua. Nếu không sợ cái chết, sợ bóng tối, sợ thú dữ, thì con người đã biến mất khỏi trái đất từ lâu rồi. Nỗi sợ đôi lúc dẫn tới thất vọng, nhưng nó cũng là điều tạo động lực, và tất nhiên khi vượt qua nó, thì nỗi sợ cũng gắn liền với niềm vui nữa. Mình nghĩ trong mình sẽ vẫn còn nhiều nỗi sợ lắm, nhiều cái còn không thể gọi tên được ra luôn. Nhưng có lẽ là kệ thôi, vì cây cầu kia con sông kia nó vẫn ở đó, những bóng ma (nếu có) lang thang kia, có lẽ vẫn chưa rời vị trí, nhưng mà mình thì khác rồi, không còn là đứa trẻ đạp chân quýnh cả lên ngày xưa nữa.